MỘT VÀI CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC
TẬP THƠ
“NÔI XANH”
CỦA TÁC GIẢ MAI XUÂN CHỨC
Mẹ tôi vốn là người họ Mai, ( là con của
cụ ngoại Mai văn Biên, anh em thúc bá với cụ Liệt sĩ Mai văn Viễn). Từ nhỏ, tôi
vẫn thưa “ Cậu mợ” với hai cụ Chức Loan. Dù không có quan hệ sâu sắc với cụ hồi
tôi còn nhỏ, nhưng tôi vẫn thường gặp gỡ cụ lúc ở quê, lúc ở Hà Đông mỗi khi ra
vào thăm chú thím tôi ở nhà máy nhuộm in hoa Hà Đông.
Mỗi lần gặp cụ, tôi đều đã có cảm nhận rất
đặc biệt. Tôi nhớ mãi hình ảnh của cụ Chức
với những lời thơ điếu đầy cảm xúc mà cụ đọc trong ngày lễ tang của thím Tư tôi…
Sau khi nghỉ chế độ về quê sinh sống, tôi
có dịp được gần gũi tiếp xúc nhiều với cụ, tình cảm của tôi với hai cụ ngày
càng tăng lên với niềm cảm phục về tài năng, nhân cách, về ý thức trách nhiệm với
xã hội, với cộng đồng của cụ. Đôi khi tôi chợt có sự liên tưởng : “ Quê hương
ta đã sinh ra Mai Xuân Chức, một con người đa tài và giàu nhân cách sống, và
chính cụ đã góp phần không nhỏ làm rạng danh quê hương ta bằng chính những tài
năng vốn có của mình. Trong lời thơ tự sự của cụ, có đoạn:
“Lập câu lạc bộ thơ ca
Thái quyền viết sách cùng đa phong trào
Phục dựng đình góp trao tâm huyết
Kính thờ thần biên dịch sắc phong
Với làng khoa bảng truy công
Bia văn học sử tổ tông tiên hiền…”
Những
đóng góp của cụ đối với quê hương rất đa
dạng:
… “Hai lần lo sách vào thư viện
Mở hội lang tham diễn nhiều kỳ
Đạo diễn văn nghệ đi thi
Hội thi toàn huyện chủ trì mười niên…”
Đặc biệt, tôi hết sức khâm phục cụ ở
thái độ làm việc rất nghiêm túc, chỉnh chu, cho dù đó là việc nhỏ nhất như làm
vỏ bao cho một chiếc túi đựng đĩa CD, cụ cắt tỷ mỷ tấm bìa cứng để đảm bảo an
toàn cho đĩa. Nghề nghiệp cơ khí chính xác đã tạo nên cho cụ cách làm việc khoa
học, miệt mài và không ngừng nghỉ. Đó có thể là nguyên nhân tạo nên cho cụ những
thành công trong nhiều mặt hoạt động, từ văn thơ, báo chí, tổ chức sự kiện…và
phần nổi bật nhất trong sáng tác của cụ
đã gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực âm nhạc. Tôi có may mắn được chứng
kiến quá trình sáng tác âm nhạc của cụ, bắt đầu từ những bản nhạc đơn sơ viết
tay. Thời kỳ đầu khi cụ chưa thạo máy tính, tôi có vinh dự được giúp cụ soạn nhạc
trên máy những bản nhạc đầu tiên, nhưng rồi
do bản thân tôi không có năng khiếu âm nhạc, nên tôi không chuyên sâu nữa,
cho đến nay nhìn những bản nhạc của cụ viết trên máy vi tính, tôi ngược lại
không có khả năng để thấu hiểu nó nữa. Vậy mới thấy mặc dù cụ đã cao tuổi,
nhưng cụ không ngừng trau dồi kiến thức về mọi mặt, nhất là phải am hiểu âm nhạc
sâu sắc để viết nên các tác phẩm đạt được sự thừa nhận của giới nhạc sĩ chuyên
nghiệp, được giải cao trong các kỳ thi âm nhạc giành cho các nhạc sĩ như sáng
tác về đảng, về đại tướng, về ccb, về các mảng đời sống xã hội khác và về nhiều
quê hương vùng miền khác nhau…
Tôi rất hân hạnh được cụ cho biết trong
lòng đang ấp ủ viết một tập thơ tự sự về cuộc đời, được nhiều lần đọc các bản
thảo của cụ, được cụ tham khảo ý kiến mặc dù tầm về thơ của tôi rất hạn hẹp, và
cụ lại nhờ giúp vẽ bìa của cuốn “Nôi xanh” ra mắt hôm nay. Tôi rất cảm động và
vui mừng chúc Hai cụ và gia đình về đứa con tình thần vô giá này.
Tập thơ tự sự của cụ có thể nói là tiếng
lòng tha thiết của một người chồng rất mực yêu thương vợ, là lời nhắn nhủ và mong
mỏi của người cha, người ông đối với con cháu trong gia đình. Mỗi đoạn thơ cụ
viết về vợ mình, về con cháu mình, tôi bỗng cảm thấy giọng thơ của cụ như chùng
xuống với bao cảm xúc yêu thương:
“Năm mươi năm nghĩa tình chồng vợ
Vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu
Dù ghềnh, thác, lũ, sông sâu
Cùng nhau tiếp bước nhịp cầu yêu
thương…”
Cảm động vì sự chăm sóc của con cháu lúc
hai cụ gặp lúc ốm đau, cụ chắt lọc hai câu thơ đầy xúc động:
“Tuyệt vời hiếu đễ nét son
Thiên thu chăng nữa vẫn còn mang
theo…”
Tôi trộm nghĩ: “ Các con các cháu của cụ
thật vinh hạnh có một người cha, một người ông như cụ”. Với tự sự của mình, lời
thơ của cụ không chỉ chau chuốt về ngôn từ, mà mỗi tiếng thơ vang lên như chắt
ra từ máu của trái tim cụ, hình ảnh của gia đình cụ từ thủa thiếu thời đầy gian
khó, cho đến khi trưởng thành lăn vào cuộc đời đầy bão tố, hình ảnh một con người
đầy nghị lực, không bao giờ cam chịu thất bại, vươn lên làm chủ bản thân, làm
tròn trách nhiệm với gia đình, với xã hội.
Với con cháu, mỗi lời thơ của cụ như những
nốt nhạc của một bản tình ca vậy, đầy yêu thương, đầy niềm tự hào sung sướng
khi các con các cháu trưởng thành, gia đình đều hạnh phúc, có cuộc sống kinh tế
đầy đủ:
“Lẽ đời thường hương thơm tự xạ
Hoa nhà mình đang tỏa đang lan
Trưởng thành, học tập, việc làm
Dựng xây tổ ấm khang trang cao tầng
Mỗi lời thơ tự sự của cụ
không chỉ để tỏ bày hoàn cảnh sống cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể của gia
đình, bản thân. Dường như chúng ta thấy trong mỗi câu thơ cụ viết chứa nhiều
tâm sự sâu kín, niềm khát khao mong mỏi các con các cháu cụ và các thế hệ tiếp
nối, những kinh nghiệm sống mà cả cuộc đời cụ đã chiêm nghiệm và từng trải, lời
răn dạy chân tình ẩn chữa trong những vần thơ đầy cảm xúc. Trong đoạn “Nói với
các con”, cụ viết:
“Làm sao nhân hữu thập toàn
Ngọc kia còn vết, nọ vàng lẫn thau
Lòng vị tha – lựa câu chọn chữ
Bao dung lời – ý tứ đơm hoa
Trẻ thì nhờ cậy mẹ cha
Lỡ khi đau yếu về già cậy con…”
Cuộc đời con người hữu hạn, ai rồi cũng
có ngày phải ra đi, nhưng chẳng mấy ai dám nói ra điều ấy vì nhiều lẽ. Đọc những
dòng tâm sự của cụ, lòng tôi bỗng thắt lại:
“Tuổi cao đường một chiều thêm
ngắn
Buổi xế tà đông vắng cơn mưa
Hàng ngày khỏe yếu cò cưa
Thất thường tính nết, sớm trưa
phàn nàn”…
Tôi bỗng nghĩ đến bản thân, đến mọi người
xung quanh với nỗi buồn mênh mang về số phận con người. Nhưng cụ không vì vậy
mà thất vọng, buốn nản:
“May đầu óc vẫn còn tỉnh táo
Đặng nghĩ suy thấu đáo mọi bề
Vẫn còn viết, vẫn say mê
Vẫn yêu cuộc sống, nghiệp nghề
văn chương…”
Đối với tôi, cụ là một tấm gương
sáng về mọi mặt. Học theo cụ, tôi tăng thêm niềm nghị lực trong mọi công việc của
mình. Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã đưa tôi trở về quê, để được sống bên những
người như cụ, đầy tài năng với trí tuệ uyên thâm, chan hòa đằm thắm với cuộc đời,
với mọi người xung quanh.
Với cuốn thơ tự truyện “ NÔI XANH”
của cụ, tôi cứ liên tưởng đến tiếng thơ của Chinh phụ ngâm khúc tự xưa vang vọng.
Đây không còn đơn thuần chỉ là lời tự sự của một nhà thơ về cuộc đời mình, mà
thực sự là một tác phẩm văn học với đóng góp về nhân sinh quan, về thái độ sống
để làm con người chân chính cho mọi người chúng ta. Dẫu như lời cuối của 556
câu thơ tự sự, cụ viết: “ Cái yêu cái ghét khôn cùng/ chỉ xin làm nhánh phù
dung chốn này”, tôi thầm ao ước quê hương ta có lấy vài nhánh phù dung như cụ,
để ta thêm niềm tự hào về một miền quê văn hóa đầy ước mơ…” như lời một ca khúc
của cụ viết về quê hương.
Được cầm trên tay tập thơ tự sự của cụ,
tôi vui mừng khôn xiết. Lời thơ của cụ mới đọc vài lượt, chưa kịp hiểu thấu ý
nghĩa sâu xa, tôi chỉ dám thổ lộ vải lời cảm nghĩ ban đầu thô thiển, có gì chưa
chuẩn mong cụ Chức lượng thứ. Năm Giáp Ngọ sắp qua, năm Ất Mùi sắp đến, xin
kính chúc Hai cụ Mai Xuân Chức – Nguyễn Thị Loan mãi mãi vẹn nguyên mối tình của
thủa ban đầu, Kính chúc các cụ các ông bà, anh chị có mặt tại đây gia đình an
khang hanh phúc, van sự cát tường.
NGUYỄN QUỐC SƠN
CLB thơ VN
huyện Ứng Hòa