GIẾNG NƯỚC
LÀNG TÔI *
Có lẽ, là người dân Việt dù ở
đâu hay đi đâu, ở bất cứ phương trời nào, ai cũng mang theo trong ký ức của
mình những hình ảnh thân thương về quá khứ với những cổng làng, cây đa, giếng
nước. Nghĩ đến cổng làng, giếng làng là thấy hiện lên nỗi nhớ da diết quê
hương, cha mẹ, gia đình.... Từ làng, ta ra với đời, uống nguồn nước giếng mát
trong; và giếng làng vẫn trầm mặc, lặng lẽ tiễn ta đi rồi lại đón ta về.
Hôm nay, tình cờ đọc được bài thơ “Giếng làng” của Mai Văn Hoan, lòng
tôi bỗng xôn xao kỷ niệm, tác giả đã đưa tôi và bạn trở về với làng quê yêu
dấu.
Về quê tìm lại giếng làng
Lối quen mà
cứ ngỡ ngàng bước chân
Bao
phen trời đất xoay vần
Làng xưa xóm
cũ mấy lần đổi thay
Nép
sau vườn dưới vòm cây
Lòng băn
khoăn có phải đây giếng làng?
Hỡi
người duyên số dở dang
Nhớ chăng
đêm ấy.... trăng vàng chung soi
Lỡ
tay thương chiếc gàu rơi
Làm xao lòng
giếng... một thời vụng yêu
Giếng
làng thuở ấy trong veo
Chia cho
thiên hạ: giàu nghèo, hèn sang
Gái
làng tắm nước giếng làng
Tóc thêm óng
mượt, da càng mịn thơm!
Bây
giờ nước có đầy hơn
Chạnh buồn
tên giếng không còn từ lâu
Bâng
khuâng cầm lại dây gàu
Buông tay
nhè nhẹ... sợ đau giếng làng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình
ảnh cái giếng làng cứ đi về trong nỗi nhớ của những người xa quê. Cái giếng đã
có mặt trong đời sống của người Việt từ lâu lắm rồi: Ít nhất thì trong chuyện
cổ tích, nó đã hiện hữu để cô Tấm nuôi con cá bống còn sót lại như nuôi giữ cái
huyền thoại, rồi khi Trọng Thủy gieo mình tự vẫn để giải cái oan tình cho Mỵ
Châu; và qua những câu thơ phồn thực mang đầy ám ảnh của Xuân Hương nữ sĩ...
đến tận hôm nay.
Ở làng tôi cũng có một cái giếng như bao làng quê khác. Không ai biết
tường tận giếng nước ấy đã có tự bao
giờ; Chỉ biết rằng nghe các cụ cao tuổi trong làng nhiều thế hệ kể lại thì các
cụ sinh ra và lớn lên, đã thấy cái giếng ấy rồi. Cứ thế, đời này kế tiếp đời
khác cho đến tận bây giờ. Không chỉ là địa điểm cung cấp nước ăn cho cả làng,
mà còn có nhiều kỷ niệm với bao người; là niềm tự hào của nhiều thế hệ.
Nằm giữa khu trung tâm văn hoá của làng, ngay bên cạnh ngôi đình, Nhà
văn hóa – Khu thể thao, giếng nước như một chiếc gương lớn với diện tích mặt
lên đến trên 800m2, đáy lòng chảo. Rốn giếng sâu, nước gần ngập một cây tre.
Xung quanh được xây bao theo hình tròn từ mép đáy lên, đến nay nhiều chỗ sự
liên kết giữa các hàng gạch vẫn còn tốt. Gần đây, nhân dân trong làng và chi
hội Người cao tuổi đã góp tiền xây thêm lan can phần vượt trên bờ và trồng con
tiện. Xung quanh bờ được đổ bê tông. Tại vị trí đẹp nhất gần đường đi, trong
dịp kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội, những người con của làng sống xa quê còn
ủng hộ xây một bể cảnh với núi non bộ lớn, chiều cao tới trên 3 mét!.
Nhờ có mạch nước ngầm nên nước giếng
rất trong, trên mặt còn thả “bèo ong”. Dưới giếng có rất nhiều cá, nhưng rất ít
khi đánh bắt. Thời bao cấp, có lần người ta bắt được con cá mè “ta” nặng tới
trên một yến.
Tuổi chúng tôi lớn lên, trưởng thành đều ăn uống nước giếng làng. Nhiều
phó tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên, anh hùng thời ấy đều nhờ ăn nước giếng
nơi đây mà thành đạt!. Những cô thôn nữ với mái tóc dài óng mượt, gọn ghẽ, căng
tròn trong bộ quần áo bà ba, chiều chiều ra giếng gánh nước, soi khuôn hình của
mình xuống mặt nước thật là gợi cảm, nên thơ. Đôi nồi đất nung ngồi gọn ghẽ
trong chiếc quang làm bằng dây song hay cật tre, rồi đến đôi thùng tôn được treo
trên móc xích vào hai đầu đòn gánh “bằng” nhún nhẩy trên đường làng... như một
bức tranh thuỷ mặc sống động, độc đáo hiếm có... Hình ảnh giếng nước làng tôi đã có mặt trong
những thước phim tài liệu do mấy hãng nước ngoài về quay cùng với những phụ nữ
“ba đảm đang” thời chống Mỹ.
Lại nhớ, tháng 2 năm 1950, bom Pháp ném xuống
làng đã làm sạt lở một góc bờ giếng. Ngay mấy ngày sau làng đã xây lại. Người
ta truyền nhau rằng giếng làng rất “thiêng”. Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, làng
có một ông tên là Hành, vợ mấy lần sinh toàn được con gái? Cũng vừa nhân lúc
làng cần thay nước ở giếng. Nhưng do giếng sâu, lại có mạch nước ngầm, nên chưa
có phương án thực hiện. Được hội đồng bô lão của làng đồng ý, ông Hành đã đặt
mấy “cấp gầu sòng” từ trên bờ xuống tới đáy, với hàng chục chiếc gầu tát suốt
ngày đêm, nước đã cạn, giếng trở lại sạch sẽ. Không biết có phải vì việc thiện và
tâm linh ấy không mà sau đó vợ ông Hành sinh hai người con trai liền!
Theo cụ Pha năm nay 91 tuổi kể lại: Vợ chồng cụ “nên duyên có phận” cũng
khởi đầu từ chuyện gánh nước giếng. Hồi ấy là năm 1948, cô thôn nữ - bây giờ là
cụ bà - đi gánh nước, do kỹ thuật túm cổ
quang và hướng đứng múc nước chưa thành thạo, một bên nồi đất nung rời khỏi
“trôn” quang nổi trên mặt nước, trôi đi. Chiếc nồi bên kia đầu đòn gánh từ từ
chìm xuống. Mất thăng bằng, cô gái té nhào sau khi hét lên một tiếng. Cũng may
có chàng thanh niên lúc đó mới 18 tuổi – bây giờ là cụ ông - đi qua vội vàng lao xuống... Người thanh niên
sau đó đi bộ đội, lại được tham gia chiến dịch Điện Biên, rồi trở lại quê
nhà... Cô gái vẫn chờ... Bây giờ hai cụ vẫn khỏe, con cháu của hai cụ người ở
quê, người công tác thoát ly trên thành phố, đều thành đạt trong học tập và
cuộc sống....
Nhiều năm nay, tuy không còn ai ăn nước ở
giếng làng nữa nhờ có 98% số gia đình trong làng có giếng khoan đã qua lọc để
dùng trong sinh hoạt và 100% số hộ có bể hứng nước mưa - có bể chứa được trên
chục khối - dùng cho việc ăn uống. Tuy vậy, người dân trong làng vẫn cùng nhau
giữ gìn giếng làng như một vật báu thiêng liêng, một biểu tượng văn hoá tâm
linh không thể mất.
Mời xem tiếp các chuyên mục: Trang chủ, âm nhạc, gia đình, văn thơ...