CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NHÀ THƠ - NHẠC SỸ MAI XUÂN CHỨC
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3 4

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

NƯỚC BẠC - ĐỒNG XANH


                             NƯỚC BẠC – ĐỒNG XANH


                       Thuở ấy - thế kỷ XIII, thời Lê Trung hưng - người ta tôn vinh  làng tôi là làng Khoa bảng – đất văn hiến; bởi lẽ với một làng nhỏ bé chỉ trên dưới trăm hộ dân, nghề chính là cấy lúa và chăn tằm dệt lụa mà đã có đến 99 vị đỗ đạt cao từ “Sinh đồ” đến “Nhị tràng, tam tràng” rồi “Đình nguyên - Hoàng giáp - Tiến sĩ”, lại có “Tam tiến sĩ đồng triều”, nhiều người làm quan từ Tri huyện, Tri phủ, đốc học đến Hàn lâm viện sĩ, Thượng thư của triều đình; quả là một kỳ tích quý hiếm mà không phải làng nào cũng có được. Tương truyền: có được vinh quang như vậy là nhờ có con kênh – người đời gọi là con Cừ với dòng nước bạc -  chảy dọc theo con đường làng phù hợp với quy luật phong thủy.
                       Bản đồ của làng như một con Chim Phượng giang cánh bay, phần đầu của Chim là dải ruộng và ao nằm ở phía tây mà bây giờ người ta vẫn gọi là “Mỏ Phượng”. Thân chính của Chim là lô đầm ao rộng tới 60 mẫu và khu dân cư giữa làng. Giữa lô đầm ao là một hồ lớn, đón nước từ mấy làng xã phía tây đổ về rồi theo một con kênh (ngòi) đổ vào Ao Lão trước cửa ngôi đình. Nước các xóm giữa làng theo một con kênh (ngòi) khác được dẫn theo một cống ngầm nằm phía dưới sân, đi qua trước cửa đình, chảy hướng Bắc – Nam. Hai dòng nước theo quy luật “Thủy đáo điện tiền” gặp nhau ở đầu dòng con kênh (cừ) xuôi theo đường làng hội tụ ở “Cừ trâu đằm” để tưới cho các cánh đồng phì nhiêu xanh tốt phía đông.
                      Thế hệ chúng tôi, lúc nhỏ đến tuổi thanh niên, vẫn còn được tắm giặt thỏa thích ở Ao Lão, hay dòng kênh bên cạnh đường làng. Có lẽ nhờ dòng nước trong lững lờ, liên tục chảy xuôi ngày đêm mà người làng tôi không nhỏ thó, nước da  không phải là màu bánh mật, như các vùng làm ruộng thuần túy, mà ai cũng có thân hình vừa phải, nước da sáng sủa, duyên dáng. Con gái ít có trường hợp “tồn đọng”. Đàn ông, nếu lấy vợ thiên hạ, thường là những người con gái có vẻ đẹp ưa nhìn. Đến những năm của thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước, làng tôi nhiều người đi thoát ly, một tháng đôi lần vẫn mong muốn được về quê  tắm giặt trong những ngày nghỉ; Cũng lại có nhiều người thành đạt trên con đường khoa cử, chiến đấu. Anh hùng LLVT, tiến sĩ, thiếu tướng, đại tá, cử nhân, giám đốc....
                     Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, do yêu cầu cấp bách của phát triển kinh tế; khu đầm ao và con kênh (cừ) đã dược giao khoán cho các hộ xã viên chăn nuôi cá vịt. Dòng nước xưa kia bị chặn lại. Giờ là một màu nước xam xám, sóng sánh và bốc lên mùi tanh tanh khó ngửi. Ít người còn dám rửa chân tay, hoặc lấy tưới cây ở dòng nước này.
                     Ứơc ao “Bao giờ cho đến ngày xưa?” thật khó trả lời. Cũng may, trong việc xây dựng dự án “nông thôn mới”, người ta đã đưa nội dung  cải tạo dòng nước của làng gần giống với “thủy đáo điện tiền” thuở trước với kinh phí hàng tỷ đồng. Người dân nơi đây mong sao dự án được triển khai sớm.

                                                                                           MAI XUÂN CHỨC