CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NHÀ THƠ - NHẠC SỸ MAI XUÂN CHỨC
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3 4

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

MAY MÀ CÓ BÀ

                                                    May mà có bà…



                Sắp hết hè, tôi thu xếp đưa cháu ngoại ra thành phố “trả” bố mẹ chúng, kịp chuẩn bị cho cháu dự ngày khai giảng và cũng nhân thể kiểm tra chuyện đứa cháu kể về bố mẹ chúng.
               Vợ chồng tôi sinh được hai con gái, đều lấy chồng thành phố; vẫn được bà con khen là có các chàng rể hiền. Qủa thật, hai gia đình chúng sống rất hạnh phúc, việc làm ổn định, có thu nhập khá. Bọn trẻ ngoan, học giỏi. Mỗi khi ở quê có công việc hiếu hỷ, giỗ chạp hay nghe tin bố mẹ nhức đầu sổ mũi, hai chàng rể lại thay nhau về thăm, còn mua sắm nhiều vật dụng, thuốc thang bổ dưỡng. Vợ chồng già chúng tôi thấy mãn nguyện lắm! Thế nhưng cứ nghe cháu ngoại kể: “Bố mẹ cháu hay nói nhau lắm!” thì tôi hơi hoang mang về tổ ấm của đứa con gái thứ hai. Ông nhà tôi dục:
-         Bà ra ngay ngoài ấy xem vợ chồng nó thế nào?
                 …. Ngôi nhà ba tầng, mặt tiền là một con ngõ rộng – mở cửa. Đứa cháu như vồ lấy mẹ sau một tháng ở quê. Bỗng chuông điện thoại đổ dồn, đứa cháu chộp lấy ống nghe:
-         Bố ơi! Bà ngoại ra, bố về ngay nhé!
……..
Đứa cháu đưa ống nghe cho tôi. Đầu dây bên kia:
-        Bà ra với chúng con đấy ạ! Con xin lỗi, hôm nay phải đi công tác nên con không đón bà được. Con về hơi muộn ạ!
-         Hôm nào cũng tác với chả tếch! Con gái tôi bâng quơ hơi sẵng.
-         Ô hay! Tôi nhắc con gái và dường như nhận ra điều gì.
……..
                  Về đến nhà, sau khi chào hỏi và rót nước mời tôi, cậu con rể vội vàng đi tắm, đoạn bê chậu quần áo của cả nhà bỏ vào máy giặt; lên sân thượng thu quần áo khô đem gấp…
               Lâu ngày, mẹ con gặp nhau, bữa cơm gia đình thật đầm ấm, vui vẻ. Con rể tôi đưa ra nhận xét:
-         Món nem hôm nay em làm ngon quá!
Nét tự hào xuất hiện ngay trên khuôn mặt con gái tôi.
-         …. Nhưng nước chấm hơi mặn, lại cay quá!
               Nét rạng rỡ trên khuôn mặt con gái tôi vụt biến mất, thay vào đó là sự không hài lòng cùng một cái liếc thiếu thân thiện:
-         Ăn nem thì phải có ớt chứ?
-         Đành vậy, nhưng cái gì cũng chỉ cần đủ lượng thôi….
-         Ngày mai anh về sớm mà pha nước chấm!?
-         ………
-         Thôi nào, tôi ngăn hai con.
-         Bà không biết đâu, bữa nào anh ấy cũng mặn mặn, nhạt nhạt, ngon rồi              
     không ngon. Sốt ruột! Làm sẵn cho mà ăn lại còn…
  Đứa cháu vô tư mách bà:
-         Đấy! bố mẹ cháu lại sắp nói nhau rồi đấy!
-         Ranh con! Mẹ nó quát.
                  Khác với cô con gái lớn, con gái thứ hai của tôi thích ăn ớt và ăn nhiều từ nhỏ. Ngoan ngoãn, thương yêu người cũng hết mực đấy; nhưng tính tình nhiều lúc cứ phổi bò, ương ương sĩ diện. Còn cậu con rể thì trực tính, thấy cái gì khác là nhận xét ngay.
               Tôi tỏ thái độ:
-         Nước chấm nem khác với nước chấm thịt luộc; phải hơi nhạt và có thêm
     chút dấm, đường. Nếu có ghém đu đủ hoặc su hào thì càng tốt. Ớt chỉ một        
     tý cho nó có màu thôi.
-         Bà lại còn bênh anh ấy!
  Ăn xong, tôi ngồi uống nước, xem ti vi với con rể. Con gái tôi lên tầng. Nhận ra nguy cơ đổ vỡ có thể xẩy ra từ những chuyện không đâu, tôi lên tầng bảo con gái:
-         Người đàn bà ngoài việc kiếm ăn đỡ chồng ra, một trong những phẩm hạnh cao quý nhất là biết yêu thương, nhường nhịn, chia sẻ và phụng sự chồng con. Không được lấy cái mình ưa thích áp đặt, buộc người khác phải thích theo mình….
    Cô con gái ngồi im lắng nghe, vớt vát:
-         Nhưng anh ấy…
-         Mẹ hiểu cả rồi, mẹ chỉ nói với con thế thôi!
   Về quê ít lâu sau tôi nhận được điện thoại của đứa cháu ngoại:
-         May mà có bà lên, bố mẹ cháu hết nói nhau rồi, bà ạ!...

                                                                                        Hè 6 – 2008

                    * Bài in trên báo NCT và tập “Sợi mưa quê” – NXB Hội nhà văn 2009