CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NHÀ THƠ - NHẠC SỸ MAI XUÂN CHỨC
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3 4

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

BÀ MẸ KẾ- NGƯỜI CHA & CON CHÁU TIẾN SĨ

                              Bà mẹ kế
                              NGƯỜI CHA
                                             & con cháu Tiến sĩ


Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dỉ ghẻ có thương con chồng”
                 Câu ca dao xưa sao mà ai oán, nghiệt ngã đến vậy! Có lẽ trong hoàn cảnh cụ thể nào đó, người sáng tác ra nó đột nhiên thốt ra cho vơi đi nỗi lòng đắng cay, chua xót của mình; và ngẫu nhiên nó lại được đem áp vào trường hợp cá biệt khác để trở thành câu cửa miệng của người đời, rồi trở thánh tác phẩm văn học dân gian “Tấm Cám”; Song tuyệt nhiên chuyện dì ghẻ không thương con chồng không phải là chân lý phổ biến của loài người, bởi “nhân chi sơ, vốn bản thiện”. Câu chuyện “Bà mẹ kế - người cha và con chảu Tiến sĩ” dưới đây đã diễn ra từ vài ba thế kỷ trước một câu chuyện có thật được ghi trong tộc phả - là một minh chứng không hiếm!
               Thế kỷ XIII, XIX, hai làng Bặt và Khả Lãm thuộc huyện Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Tây ngày nay) đều là làng khoa bảng, bởi lẽ đều có nhiều người đỗ đạt cao, giữ nhiều trọng trách do chính quyền đương thời giao phó. Hai làng chỉ khác nhau ở chỗ: Khoa bảng của làng Khả Lãm nở rộ ở triều đại Lê Trung hưng, còn  làng Bặt thì nở rộ ở triều nhà Nguyễn. Giở từng trang phả hệ của nhiều dòng họ trong huyện thấy nổi lên mối quan hệ hôn nhân mà trong đó đã vận dụng uyển chuyển câu thành ngữ: “Lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống!?”. Trong số đó có hầu hết những người phụ nữ Khả Lãm xưa kia (Cao Lãm, Cao Thành ngày nay) lấy chồng thiên hạ đều có công gây dựng, chăm sóc cho “Cây” nhà chồng đơm hoa kết trái. Một người phụ nữ tên là Mai Thị Tân ở làng Khả Lãm lấy chồng họ Dương làng Vân Đình. Chồng mất sớm, Cụ đã nuôi dạy con trai Dương Danh Ứng ăn học thi đỗ Hương cống. Cụ nuôi dạy tiếp cháu nội Dương Khuê đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1868); cháu nội Dương Lâm đỗ Giải nguyên, hàm Thái tử Thiếu bảo; chút nội Dương Thiệu Tường đỗ Tiến sĩ năm 1919.
               Đặc biệt, chỉ riêng dòng họ Nguyễn Thượng ở làng Bặt Chùa đã có tới bốn người đàn ông ở bốn đời đều lấy vợ là người làng Khả Lãm. Bốn người con dâu ấy đều làm rạng danh cho gia đình nhà chồng. Mở đầu và nổi bật nhất là “Bà mẹ kế” Nguyễn Thị Tiễu. Gương sáng của Cụ được các thế hệ dòng họ Nguyễn Thượng và nhân dân làng Bặt Chùa ca ngợi đến tận ngày nay.
               Cụ Tiễu hiệu Đoan Dục, người họ Nguyễn làng Khả Lãm, lấy lẽ Cụ Nguyễn Khải – đời thứ 8, chi Ất, họ Nguyễn Thượng – người làng Bặt Chùa. Khi Cụ ông đứng tuổi thì Cụ vợ cả mất. Lúc ấy con cả là Cụ Hiệu Trai đã có vợ con ra ở riêng. Cụ Trai ham làm ăn. Cụ trồng vườn cam tốt lắm nên chẳng thích học hành gì. Khi Cụ Kế (Cụ Tiễu) về nhà chồng thấy thế mới khuyên Cụ ông sang nhà con trai chặt cam, phá vườn để cho con trai của vợ cả (Cụ Hiệu Trai) phải đi học!
               Cụ Hiệu Trai chưa hiểu chuyện gì mới khóc lóc kêu:
- Thầy nghe dì xúi mà làm hại con!
               Cụ Kế mới lên tiếng:
- Việc ấy tôi xui thầy anh thật! Nhà ta vốn là con nhà thi thư, anh phải nên chăm lo học hành để nối nghiệp nhà, chứ không nên lo những việc sinh nhai tầm thường ấy vội, nên tôi xui thầy anh phá đi để anh phải đi học.
     Cụ Hiệu Trai nói:
-         Tôi đi học thì ở nhà ai nuôi vợ con tôi?
     Cụ Kế nói:
-         Anh cứ đi học, vợ con anh đã có tôi chăm nom.
     Nói rồi, Cụ sai người nhà đem tất cả lúa ra sân, chia làm ba đống. Cụ chỉ từng đống lúa và nói:
- Đống này để tôi phụng dưỡng thầy. Đống này để nuôi vợ con anh. Đống kia để làm lương cho anh đi học.
     Cụ Hiệu Trai nại lại rằng:
-         Tôi lớn tuổi thế này, bây giờ còn đi học gì và biết học ai?
     Cụ Kế nói:
-         Miễn là anh có chí học, tôi sẽ có nơi, có thầy cho anh học.
               Liền đó Cụ đưa Cụ Hiệu Trai vào quê ngoại Khả Lãm học Cụ Trấn Đông (quan chức Triều Lê làm Tổng đốc Hải Dương) là anh trai mình đã nghỉ hưu. Cụ Hiệu Trai thông minh lắm, ba năm sau đỗ Hương cống (năm ấy Cụ 27 tuổi). Cụ thi Hội bốn lần, đỗ Tam tràng (đỗ phó bảng bốn lần). Sau đó Cụ làm quan tới Tri huyện huyện Thiên Bản – Nam định ngày nay.
               Cụ Hiệu Trai (đời thứ 9) đỗ đạt làm quan đã nối tiếp được mạch đỗ đạt làm quan của dòng họ Nguyễn Thượng từ đời thứ 7 (Cụ Tiết Trai), đời thứ 8 (Cụ Thanh Hiên)
               “ Cụ Kế thật là một bậc hiền đức, có tài quyết đoán sáng suốt, nêu gương sáng cho thế gian: Mẹ ghẻ mà thương con chồng, lo toan gây dựng như con đẻ của mình cũng là một việc hiếm có! Nhất là con chồng đã lớn tuổi, đã có vợ con, ở riêng, nhà cửa đàng hoàng; mà Cụ dám cả quyết phá sản nghiệp đi để bắt đi học, không sợ tai tiếng: mẹ ghẻ con chồng, rồi lại khu xử mọi việc đâu ra đấy rất công minh đích đáng! Nếu không có Cụ Kế thì Cụ Hiệu Trai chỉ là người dân bình thường; nền nếp thư hương của họ Nguyễn Thượng có lẽ cũng tắt đi từ đấy! Vậy nên con cháu đời đời phải biết và nhớ ơn công đức của Cụ….
               Cụ Hiệu Trai cảm cái đức của Cụ Kế nên sau này thờ Cụ rất hiếu! Trong khi đi làm quán xa xôi, có của ngon thức lạ cũng đưa về dâng Cụ Kế. Lỡ khi có lỗi thì mặc áo rộng, quỳ trước Cụ để nghe Cụ dạy bảo, khi nào Cụ xá lỗi cho thì mới dám đứng đậy…”
                                                (Tộc phả họ Nguyễn Thượng làng Bặt Chùa)

                Cụ Kế vì có chắt làm quan to (Cụ Nguyễn Thượng Phiên) nên được truy phong “Tòng tứ phẩm phu nhân”
               Con đẻ thứ tư của Cụ Kế là Nguyễn Phán, thụy An Lạc, hiệu Ôn hào, năm Thành Thái thứ 7 được truy phong “Triều liệt đại phu, Thị giảng học sĩ Viện hàn lâm”. Năm Thành Thái thứ 9 lại được truy phong “Trung nghị đại phu, Thái bộc tự khanh” (tòng tam phẩm) nên thường gọi là Cụ Thái bộc.
               Con trai thứ ba của Cụ Thái bộc – cháu nội của Cụ Kế - là Nguyễn Tụng. Thuở nhỏ, gặp khi thôn ấp mất mùa phải bỏ học. Mãi đến năm 15 tuổi mới cắp sách đến trường. Cụ đã bốn lần thi đều đậu Tú tài. Lần thứ tư là vào năm Tự Đức 11 (1858), lúc ấy Cụ đã 60 tuổi vẫn còn cắp “ống quyển” vào trường thi. Năm 1861, với quyết tâm phải thi đỗ đại khoa nên đã 63 tuổi, Cụ lại đi thi lần thứ 5. Song năm ấy do bị cảm rồi mặc bệnh thiên đầu thống, chạy chữa mãi không khỏi nên từ đó Cụ mới thôi, ở nhà dạy học, không đi thi nữa. Cụ đã truyền cái ý chí phải học tập, đạt đỉnh cao trong thi cử để giúp ích cho đời từ người bà nội (Cụ Kế), và tự mình làm gương cho con trai là Nguyễn Thượng Phiên. Khi Cụ Phiên vừa đỗ cử nhân, Cụ nói:
-         Nhà ta với truyền thống thi đậu làm quan đến nay đã 5 đời, nhưng chưa có ai đậu đại khoa, con phải cố gắng thực hiện bằng được chí hướng của cha…
                Năm 1862, Nguyễn Thượng Phiên nhậm chức giáo thụ ở phủ Quốc Oai, khi về hầu, người cha (Cụ Nguyễn Tụng) lại dạy:
-      Con kịp thời đưa thưng đấu, lương bổng về nuôi cha; đó là tấm lòng của người con có hiếu. Nhưng lòng mong muốn của cha là con sẽ thi đậu đại khoa để khỏi phụ chí của cha, con không nên vội ra làm quan…
               Năm 1863, khi Nguyễn Thượng Phiên được bổ Tri huyện Phù Ninh, mỗi khi về thăm nhà đều bị cha quở trách, thúc dục phải tốt nghiệp thi Hội, thi Đình.
               Thực hiện lời cha truyền dạy, ba năm sau – 1863 – Nguyễn Thượng Phiên đậu thi Đình, thì người cha đã mất trước đó ba năm. Sáu năm sau – 1871, người cha (Cụ Nguyễn Tụng) được truy tặng “Phụng thành đại phu, Hàn lâm viện thị giảng” (tòng ngũ phẩm). Năm 1883 lại được truy tặng “Triều liệt đại phu, Hàn lâm viện thị giảng học sĩ” (tòng tứ phẩm). Năm 1886 lại được truy phong là “Trung thuận đại phu, thị độc học sĩ Viện hàn lâm” (chánh tứ phẩm). Năm 1892 lại được truy phong “Trung phụng đại phu, Đô sát viện Hữu phó đô ngự sử” (tòng nhị phẩm).
                 Một người cha bẩm thụ tính trời hiếu thảo, cư xử trung hậu, miệt mài học tập mong nối nghiệp tiền nhân… đã là gương sáng cho con cháu noi theo.
                Con trai của Cụ là Nguyễn Thượng Phiên đã đậu Tiến sĩ, giữ nhiều chức vụ quan trọng tới hàng nhất, nhị phẩm của triều Nguyễn, lại có nhiều tác phẩm văn chương có giá trị.
                Nối nghiệp ông cha, Nguyễn Thượng Hiền (con Cụ Thượng Phiên, cháu Cụ Nguyễn Tụng, chắt Cụ Thái bộc, chút Cụ Kế) 18 tuổi đỗ Tiến sĩ, được giao nhiều chức vụ quan trọng như: Tổng đốc, Thượng thư… nhưng Cụ không làm – do triều đình lúc đó suy đồi – Cụ ở nhà viết sách. Tiến sĩ Nguyễn Thượng Hiền đã để lại cho đời sau 6 tác phẩm thơ ca yêu nước thương dân. Cụ đã cùng Cụ Phan Bội Châu và các nhà chí sĩ yêu nước khác tham gia cách mạng trong phong trào Đông du
               Một bà mẹ kế nuôi dạy con chồng học hành thành đạt, gây dựng vun đắp làm vẻ vang cho nhà chồng… Một người cha nối chí và thực hiện ý nguyện của bà nội để rèn dũa con cháu nên người không chỉ là tấm gương sáng cho muôn đời sau mà đó còn là truyền thống của gia đình, truyền thống hiếu học của người dân Đất Việt ngàn năm văn hiến!

                                                                                       1- 2008


                                                 + Báo NCT in số tháng 5 - 2008