Độc đáo làng nghề
PHỦ ỨNG THIÊN
MAI XUÂN CHỨC
Sưu tầm – bình giải
Hà Tây là đất trăm nghề.
Những địa danh như: lụa Vạn Phúc, sơn mài Thường Tín, khảm trai Phú Xuyên, giò
chả Ước Lễ, áo dài Trạch Xá, nón lá làng Chuông.... đã là một phần lịch sử Hà
Tây địa linh nhân kiệt. Từ xa xưa đến nay, tên tuổi các làng nghề và sản phẩm
của họ không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vượt xa ra ngoài biên giới tới năm
châu bốn biển. Tên nghề gắn liền với tên làng như máu thịt của cơ thể, mang hơi
thở của cuộc sống đương đại. Nó đi vào thơ ca như một lẽ tự nhiên, vẽ nên bức
tranh quê lụa muôn sắc muôn màu. Một trong số đó là bài ca dao “Làng nghề” (1). Mở đầu bài ca
dao là câu:
Bưng trống thì ngả tư Rùa (2)
Không phải ngẫu nhiên câu mở đầu lại nói đến
nghề làm ra cái trống. Hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, tiếng
trống đã bao lần thúc giục quân dân ta xông pha nơi trận tiền đánh đuổi quân
xâm lược. Tiếng trống khải hoàn khi dân tộc giành độc lập tự do. Trống đã đi
vào đời sống, trở thành một nhạc cụ không thể thiếu. Tiếng trống ngũ liên đanh
đặc, dồn dập trong hộ đê; khoan thai thanh mảnh trong “trống canh ba”; dõng dạc
ngân nga vang rền trong “tiếng trống hồi” phút giao thừa đón năm mới; thôi thúc
rộn rã trong múa lân múa rồng....
Trong hoàn cảnh nào đó, trống
thể hiện thái độ ứng xử của con người thông qua cách đánh:
Mõ cá trên cột đình há miệng nhận những cây dùi giận giữ
Trống cái dưới
xà đình lỳ mặt chịu bao cái nện phũ phàng
(NGÔ TẤT TỐ)
Làng nào cũng có trống. Họ nào
cũng có trống. Lễ hội nào cũng có trống và còn có cả tiếng trống rời rạc, đùng
đục, rè rè, não nề níu kéo trong buổi tiễn đưa con người về chốn vính hằng!
Nhiều nơi làm nghề bưng trống, nhưng các khâu chọn, căng thuộc da thế nào, xẻ
ghép tang, ép đai, đóng đinh tre ra làm sao để đạt được nhạc điệu trên thì chỉ
có làng Rùa mới có bí quyết ấy.
Có nhiều nghề chế biến từ cây
tre:
Đan thúng Kẻ Ngảy, đan lờ Thanh Giang
Kẻ
Lò đan những giần sàng (3)
Thúng, mẹt, giần, sàng.... là
những vật dụng thường ngày của người nông dân trong việc chế biến thóc gạo. Để
đan được cái thúng đạt yêu cầu, hạt cám cũng không lọt đòi hỏi khắt khe từ khâu
chọn tre, pha chế, vót nan đến khâu cạp nứt. Khó khăn nhất vẫn là khâu “lát”
với khoảng cách 3-5-7 sao cho khi lên cạp, thúng tròn đều, mặt trong của thúng
nhẵn phẳng không bị giắt tấm gạo.... Thúng làng Ngảy là như vậy.
Từ xa xưa cho mãi đến những năm
sáu, bảy mươi của thế kỷ trước; cứ vào mỗi buổi chiều tà, bên cạch dọc theo con
đường làng Lò (nay là thôn Đống Vũ, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa là các “lồ”
nửa nổi nửa chìm hun khói các sản phẩn: mẹt, giần, sàng... hoạt động. Khói bay
phơ phất, mùi khói ngai ngái lại thơm thơm, cay cay pha chút ngầy ngậy do đốt
chất sinh khói là rơm rối, lá tre nhúng nước tỏa ra. Khói thấm đều trên mặt của
sản phẩm tạo nên một màu vàng suộm riêng có. Đây là một trong những bí quyết
làng nghề. Chỉ riêng cái “mẹt Lò” đã nổi tiếng hàng trăm năm, không lẫn lộn với
bất cứ loại mẹt nào khác. Xinh xắn, mềm mại, cạp nứt bằng những sợi guột nhỏ
liền khít nhau không rõ điểm đầu điểm kết thúc. Khi sảy thóc gạo, phần kẹ mạt
như tự bay ra khỏi mẹt tạo nên sự uyển chuyển, nhịp nhàng cho người dùng như
đang múa vậy. Còn mặt hàng giần sàng thì có người đã nói: “Gía như cô Tấm trong
truyện Tấm Cám mà có cái giần, cái sàng của làng Lò thì chắc không cần ông Bụt
phải điều đàn chim sẻ đến để nhặt đỗ, gạo lẫn lộn – do mụ Cám đổ ra – cô Tấm
vẫn kịp đi xem hội!”. Ngày trước và bây giờ vẫn thế, nhiều người làm chè ở xa
xôi tận Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình... vẫn lặn lội về tận làng Lò đặt mua rổ
cho công đoạn xát chè “móc câu” săn đều đặn.
Nghề đan lát chẳng kiếm được là
bao, cũng chỉ giải quyết việc lúc nông nhàn, nhưng những người dân làng Lò vẫn
luôn trân trọng và giữ gìn cái nghề đan lát của Tổ tiên, thực hiện đầy đủ quy
trình làm ra một sản phẩm. Thời kinh tế thị trường, nhưng họ không làm dối, làm
ẩu. Họ tự hào về nghề họ đang làm. Họ truyền cái cảm hứng qua đôi bàn tay tài
hoa vào từng nan ngang, nan dọc. Hiện nay làng Đống Vũ đã được tỉnh Hà Tây công
nhận là làng nghề. Cấp trên cấp kinh phí, đã làm xong con đường ô tô vào làng
để đưa sản phẩm đan lát của họ xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới do ba bốn
công ty TNHH của làng thực hiện.
Ngày xưa, người nông dân chân lấm
tay bùn phải đi làm thuê, kiếm được hai bữa rau dưa đã là tốt lắm. Muốn có bữa
cải thiện, nhà có cỗ, hoặc giả con gái đã lấy chồng, về thăm bố mẹ đẻ nhân Tết
mồng năm, rằm tháng bảy đã có:
Bún bánh Kẻ Bặt, dưa gang Kẻ Đình (4)
Xã hội phát triển, đời sống ngày
càng được cải thiện, nào là: bún riêu cua, bún bún ốc, bún sườn, bún măng, bún
mọc, bún vịt, bún bò, bún chó... bao nhiêu món ẩm thực dùng tới bún. Quen thuộc
như vậy, nhưng ít ai biết được rằng để làm ra sợi bún, người thợ phải vất vả
đến nhường nào khi các khâu trong quy trình sản xuất đều làm bằng thủ công.
Nặng nề nhất có lẽ là khâu đánh bột. Bây giờ người ta có máy móc đỡ đần chứ như
xưa kia, người làm bún phải đánh vật với bột bằng cối giã gạo. Cối bột nặng dăm
bảy cân sau khi đã luộc, dẻo quẹo ôm dính chặt lấy chày. Hai người đứng phía
đuôi cần nhún bẩy cần lên. Người ở miệng cối phải nhổm đu người để vuốt bột rời
khỏi chày. Cứ như vậy, cần cối lên xuống hàng trăm lần, khi nào bột nhuyễn mịn
mới được chuyển công đoạn “vắt”. Với đôi bàn tay trên dưới chéo nhau, vắt bột
qua khuôn trên miệng nồi nước sôi liên tục nỏ lửa. Sợi bún vớt ra trắng nõn nà,
càng dài, càng nhỏ, càng ngon. Bún rối, bún cối, bún bánh.... mỗi kiểu mỗi vẻ
đáp ứng người tiêu dùng.
Sau những giờ lao động mệt nhọc,
ăn bát bún riêu cua thêm vài cánh húng với rau chuối non thái mỏng mà sợi bún
giòn, dai không chua nát, còn phảng phất mùi thơm của gạo thì còn gì tuyệt
bằng. Sự mãn nguyện lan tỏa khắp cơ thể làm tan biến đi những lo toan thường
nhật, vị chát mặn của mồ hôi trước đó. Bún Bặt là vậy.
Trước kia, chỉ có làng
Bặt Ngõ làm bún, nay là ba thôn Bặt: Bặt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa (thuộc xã
Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) đều có người làm bún, nhưng phần đông vẫn là làng Bặt
Ngõ. Nhiều công đoạn đã được cơ giới hóa song vẫn giữ được vị bún Bặt thuở xưa.
Hàng ngày, ô tô xe máy hối hả chở bún từ ba làng Bặt đi khắp nơi từ hai, ba giờ
sáng. Các nhà hàng bún chả nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội ở phố Sinh Từ, Nguyễn
Khuyến, Lương Thế Vinh.... hầu hết đều dùng bún làng Bặt.
Du khách thập phương đi vãn cảnh chùa Hương
qua thủ phủ huyện Ứng Hòa dừng chân thưởng thức bún thịt chó, bún vịt Vân Đình
thì nhớ mãi không quên được, vì đó là sự kết hợp giữa bún làng Bặt và cầy tơ
bảy món Tổng Đình.
Người làng nghề Bặt Ngõ bây giờ
chẳng những giữ gìn nghề xưa của ông cha mà đang ngày càng phát triển. Đã có
nhiều người mang dụng cụ làm bún tỏa đi khắp nơi, trong Nam, ngoài Bắc, thậm
chí ra cả nước ngoài để chuyển tải cái tinh túy của hạt gạo một nắng hai sương
đến với mọi người, làm phong phú thêm nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm giải
phóng Khu Cháy (Ứng Hòa, Hà Tây) năm 2004, nhạc sĩ Xuân Mai trong lời ca của ca
khúc “Bài ca Khu Cháy” đã viết về tên đất, tên nghề của thời điểm dăm bảy chục
năm trở về trước của vùng này:
“.....
Trung Thượng chăn bông, sắm tủ gương Cung Thuế
Mua gạo Nàng hương Tu Lễ
May áo dài Trạch Xá dáng duyên
Ơi tiếng hát Quan Châm
Thánh thót vang ngân cây đàn Đào Xá....”
Thật vậy! Thợ xẻ Động Phí, thợ làm đàn Đào
Xá, thợ mộc Cung Thuế, Hòa Chanh, thợ may Trạch Xá..... không chỉ có từ dăm bảy
chục năm trước mà đã có khi đất này còn thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên xưa
(nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội):
Khéo thợ thì huyện Sơn Minh
Dệt
lụa Kẻ Xốm, đan giành Đống Lau (5)
Hầu hết các làng nghề có từ xa
xưa ấy nay nhiều làng vẫn giữ được nghề. Nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy viết:
“... Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo
nhiệm màu
Dù ở
đâu; Pa ri, Luân Đôn hay những miền xa
Thoáng
thấy áo dài bay trên hè phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em
ơi!...”
(MỘT THOÁNG QUÊ HƯƠNG)
Mỗi lần nghe ca khúc trên – là
người Việt Nam – không ai là không tự hào về dân tộc, quê hương mình và người
ta nhớ ngay tới phố áo dài Lương Văn Can, Hà Nội. Nơi đây có đến hơn nửa cửa
hiệu may áo dài có gốc gác từ làng Trạch Xá, huyện Ứng Hòa. Thời bây giờ nhiều
nơi may áo dài, nhưng một trong những nét độc đáo của áo dài Trạch Xá là tất cả
các công đoạn đều làm thủ công: Khâu tay, thùa khuy đơm khuyết cũng bằng tay,
mà mũi chỉ vẫn đều, không căng, không chùng và thẳng tăm tắp.
Thi hào Nguyễn Du đã viết trong
truyện Kiều:
Trong như tiếng hạc bay qua
Đục
như nước suối mới sa nửa vời
Dù người nghệ sĩ có ngón nghề cao
siêu đến mấy nhưng không có nhạc cụ tốt, khó có thể chuyển tải cảm hứng của
mình thành âm thanh giàu hình tượng và lôi cuốn lạ kỳ đến vậy! Có lẽ nhờ đàn
của Đào Xá chăng? Làng Đào Xá, xưa làm đàn, liên tục bây giờ vẫn làm đàn. Phố
Hàng Điếu, Bát Đàn, Hà Nội cũng không hiếm người làng Đào Xá.
Nằm trên triền sông Đáy với những
bãi bồi phì nhiêu là các vạt ruộng trồng màu, trồng dâu chăn tằm:
Sóc – Vĩnh bán những cà bầu
Chăn
tằm Kẻ Vật, hái dâu Kẻ Đoàn... (7)
Từ xa xưa và cho đến những thập
kỷ sáu, bảy mươi của thế kỷ XX, những địa danh với các nghề rất đồng quê và
nông nghiệp ấy vẫn còn tỏ rõ ưu thế trong hoạt động kinh tế của địa phương mình
cho đến tận ngày nay.
Có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên
hay đó là sự sắp xếp tất yếu có tính quy luật mà nổi lên giữa một vùng nằm ở
phía Bắc huyện Sơn Minh – đã có một làng vừa có nghề, lại vừa có học – được các
làng nghề xung quanh bao bọc. Đó là làng Xốm – làng Khả Lãm (nay là thôn Cao
Lãm, xã Cao Thành). Nó như một bông hoa thắm nhất trong vườn hoa muôn sắc muôn
màu. Chỉ trong vòng trên một trăm năm dưới triều đại Lê Trung hưng (thế kỷ XVII
– XVIII), làng Khả Lãm đã có tới 100 vị đỗ đạt quan trường – có vị làm tới chức
Thượng thư của triều đình – trong đó có ba cậu cháu ruột “tam tiến sĩ đồng
triều”; làm nên huyền thoại “làng khoa bảng” là nhờ ở hậu phương vững vàng mà
các mẹ, các chị đã tảo tần đưa những gánh kén vàng óng từ Đoàn Xá về, dệt nên
những tấm lụa để nuôi chồng con theo nghiệp “lều chõng”, làm nên những ông
Nghè, ông Cống.
Bài ca dao chưa kết thúc, có thể
còn nhiều câu nữa mà người sưu tầm chưa tìm được. Xưa kia nó thường được diễn ca,
diễn xướng để mua vui; cũng là để tự giới thiệu về vùng quê mình như chức năng
quảng cáo; nó được thể hiện qua lời bà ru cháu, mẹ ru con để nhắc nhở, để tự
hào về mảnh đất mình đang sống:
Bưng trống thì ngả tư Rùa
Đan
thúng Kẻ Ngảy, đan lờ Thanh Giang
Kẻ
Lò đan những giần sàng
Bún
bánh Kẻ Bặt, dưa gang Kẻ Đình
Khéo
thợ thì huyện Sơn Minh
Dệt
lụa Kẻ Xốm, đan giành Đống Lau
Sóc
– Vĩnh bán những cà bầu
Chăn
tằm Kẻ Vật, hái dâu Kẻ Đoàn.....
Bài ca dao chắc chưa nêu lên hết
tất cả các nghề mà Phủ Ứng Thiên xưa có, song từ bài ca dao này đã phản ánh sự
hưng thịnh của nền sản xuất nông nghiệp với cây lúa nước và sự phân công lao
động, chuyên môn hóa khá cao thời đó. Sự độc đáo làng nghề và hiện thực cuộc
sống đã hội tụ những tài năng, và những “bàn tay vàng” của các nghệ nhân vào
các làng nghề của lịch sử đương thời mà sức sống của nó đã được truyền từ thế
hệ này sang thế hệ khác với tuổi nghề từ nhiều trăm năm trước.
Con giống, cây trái phát triển
còn nhờ vào thổ nhưỡng phù hợp, thời tiết thuận hòa, chứ nghề thủ công thì bám
rễ, thấm sâu vào từng nếp nghĩ, từng đường gân thớ thịt của người thợ; vào gien
để cha truyền con nối mà không phụ thuộc vào vị trí địa lý, hoàn cảnh chính trị
- xã hội. Lịch sử có thể biến thiên nhưng sự phát triển của các làng nghề thì
còn tồn tại bền bỉ, vững chãi và ngày càng tiến lên không ngừng. Ngày nay, một
số làng có thể không còn nghề cũ, nhưng đã có nhiều nghề mới. Nhiều làng nghề
vẫn đang tiếp tục duy trì và phát triển nghề lên một tầm cao to lớn hơn, tinh
xảo đa dạng phong phú hơn, góp phần cùng với Thủ đô thực hiện mục tiêu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước.
5 – 2006
Chú thích: 1. Tiêu đề “Làng nghề” do tác giả đặt
2. Làng Rùa thuộc xã Thanh Thùy, huyện Thanh
Oai ngày nay
3. Kẻ Ngảy nay là thôn Thiệu Bạt. Kẻ Lò nay là
thôn Đống Vũ
xã Trường Thịnh.
Thanh Giang nay là thôn Thanh Dương, xã Đồng
Tiến, huyện Ứng Hòa
4. Kẻ Đình nay là thôn Vân Đình, thị trấn Vân
Đình, huyện Ứng Hòa.
5. Kẻ Xốm nay là thôn Cao Lãm –
làng khoa bảng - xã Cao Thành.
Đống Lau là thôn Họa Đống xã Trường Thịnh,
huyện Ứng Hòa.
6. Sóc – Vĩnh nay là các thôn Nghi Lộc, Vĩnh
Thượng, Vĩnh Hạ huyện Ứng Hòa.
7. Kẻ Vật, Kẻ Đoàn nay là các thôn Thành Vật,
Đoàn Xá xã Đồng Tiến
huyện Ứng Hòa thuộc vùng bãi, nay vẫn còn
nhiều bãi trồng dâu.
Không ai biết tường tận giếng nước ấy đã có tự bao giờ; Chỉ biết rằng
nghe các cụ cao tuổi trong làng nhiều thế hệ kể lại thì các cụ sinh ra và lớn
lên, đã thấy cái giếng ấy rồi. Cứ thế, đời này kế tiếp đời khác cho đến tận bây
giờ. Không chỉ là địa điểm cung cấp nước ăn cho cả làng, mà còn có nhiều kỷ
niệm với bao người; là niềm tự hào của nhiều thế hệ.
Nằm giữa khu trung tâm văn hoá của làng, ngay bên cạnh ngôi đình, Nhà
văn hóa – Khu thể thao, giếng nước như một chiếc gương lớn với diện tích mặt
lên đến trên 800m2, đáy lòng chảo. Rốn giếng sâu, nước gần ngập một cây tre.
Xung quanh được xây bao theo hình tròn từ mép đáy lên, đến nay nhiều chỗ sự
liên kết giữa các hàng gạch vẫn còn tốt. Gần đây, nhân dân trong làng và chi
hội NCT đã góp tiền xây thêm lan can phần vượt trên bờ và trồng con tiện. Xung
quanh bờ được đổ bê tông. Tại vị trí đẹp nhất gần đường đi, trong dịp kỷ niệm
1000 Thăng Long – Hà Nội, những người con của làng sống xa quê còn ủng hộ xây
một bể cảnh với núi non bộ lớn, chiều cao tới trên 3 mét!.
Nhờ có mạch nước ngầm nên nước giếng
rất trong, trên mặt còn thả “bèo ong”. Dưới giếng có rất nhiều cá, nhưng rất ít
khi đánh bắt. Thời bao cấp, có lần người ta bắt được con cá mè “ta” nặng tới
trên một yến.
Tuổi chúng tôi lớn lên, trưởng thành đều ăn uống nước giếng làng. Nhiều
phó tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên, anh hùng thời ấy đều nhờ ăn nước giếng
nơi đây mà thành đạt!. Những cô thôn nữ với mái tóc dài óng mượt, gọn ghẽ, căng
tròn trong bộ quần áo bà ba, chiều chiều ra giếng gánh nước, soi khuôn hình của
mình xuống mặt nước thật là gợi cảm, nên thơ. Đôi nồi đất nung ngồi gọn ghẽ
trong chiếc quang làm bằng dây song hay cật tre, rồi đến đôi thùng tôn được treo
trên móc xích vào hai đầu đòn gánh “bằng” nhún nhẩy trên đường làng... như một
bức tranh thuỷ mặc sống động độc đáo hiếm có... Rồi những buổi gánh nước tập
đoàn: năm bảy cô rồng rắn nối nhau lần lượt gánh nước đổ đầy bể thành viên này
đến thành viên khác. Hình ảnh giếng nước làng tôi đã có mặt trong những thước
phim tài liệu do mấy hãng nước ngoài về quay cùng với những phụ nữ “ba đảm
đang” thời chống Mỹ.
Lại nhớ, tháng 2 năm 1950, bom Pháp ném xuống làng đã làm sạt lở một góc
bờ giếng. Ngay mấy ngày sau làng đã xây lại. Người ta truyền nhau rằng giếng
làng rất “thiêng”. Thập kỷ 50 của thế kỷ trước, làng có một ông tên là Hành, vợ
mấy lần sinh toàn được con gái? Cũng vừa nhân lúc làng cần thay nước ở giếng.
Nhưng do giếng sâu, lại có mạch nước ngầm, nên chưa có phương án thực hiện.
Được hội đồng bô lão của làng đồng ý, ông Hanh đã đặt mấy “cấp gầu sòng” từ
trên bờ xuống tới đáy, với hàng chục chiếc gầu tát suốt ngày đêm, nước đã cạn,
giếng trở lại sạch sẽ. Không biết có phải vì việc thiện và tâm linh ấy không mà
sau đó vợ ông Hành sinh hai người con trai liền!
Theo cụ Pha năm nay 91 tuổi kể lại: Vợ chồng cụ “nên duyên có phận” cũng
khởi đầu từ chuyện gánh nước giếng. Hồi ấy là năm 1948, cô thôn nữ - bây giờ là
cụ bà - đi gánh nước, do kỹ thuật túm cổ
quang và hướng đứng múc nước chưa thành thạo, một bên nồi đất nung rời khỏi
“trôn” quang nổi trên mặt nước, trôi đi. Chiếc nồi bên kia đầu đòn gánh từ từ
chìm xuống. Mất thăng bằng, cô gái té nhào sau khi hét lên một tiếng. Cũng may
có chàng thanh niên lúc đó mới 18 tuổi – bây giờ là cụ ông - đi qua vội vàng lao xuống... Người thanh niên
sau đó đi bộ đội, lại được tham gia chiến dịch Điện Biên, rồi trở lại quê
nhà... Cô gái vẫn chờ... Bây giờ hai cụ vẫn khỏe, con cháu của hai cụ người ở
quê, người công tác thoát ly trên thành phố, đều thành đạt trong học tập và
cuộc sống....
Nhiều năm nay, tuy không còn ai ăn nước ở giếng làng nữa nhờ có 98% số
gia đình trong làng có giếng khoan đã qua lọc để dùng trong sinh hoạt và 100%
số hộ có bể hứng nước mưa - có bể chứa được trên chục khối - dùng cho việc ăn
uống. Tuy vậy, người dân trong làng vẫn cùng nhau giữ gìn giếng làng như một
vật báu thiêng liêng, một biểu tượng văn hoá tâm linh không thể mất.
5 - 2011
Ca khúc: Ứng Hòa khúc tráng ca
Nhạc: Mai Xuân Chức - Lời thơ: Xuân Chức - Xuân Hằng
Trình bày ca sĩ Thái Trung