CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NHÀ THƠ - NHẠC SỸ MAI XUÂN CHỨC
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3 4

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

CHƯƠNG II / IV - TRANG CHỦ


NGÀY NÀY CÁCH ĐÂY 5 NĂM


                   Đó là ngày mà tôi không thể nào quên: ngày 22 tháng chạp, chuẩn bị đón Tết Đinh hợi (09 – 02 – 2007); một niềm vui đến thật bất ngờ: gia đình chúng tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép lên văn phòng tại số 30 Hoàng Diệu Hà Nội chúc thọ Đại tướng, kính tặng Đại thướng tác phẩm âm nhạc “Cây Đại thụ” do tôi sáng tác.
                    Số là: người bạn thơ của tôi tên Nguyễn Thái Bình bên huyện Mỹ Đức có viết bài thơ “Vẹn đầy” ca ngợi tài đức vẹn toàn của Đại tướng với cuộc CM của dân tộc và quân đội ta. Ông gặp tôi tỏ ý muốn nhờ tôi phổ nhạc. Sau gần hai tháng đắn đo, suy nghĩ và tìm thêm tứ cho phần kết, tôi đã hoàn thành ca khúc với tên gọi “Cây Đại thụ”. Ca khúc ra đời đã được anh em bạn bè, đặc biệt là trong giới CCB hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều người, nhiều nơi tập hát; được tạp chí CCB Hà Tây in.... và sau đó đã được văn phòng của Đại tướng mời lên Hà Nội.
                   Buổi gặp mặt chứa chan tình cảm đầm ấm. Đại tướng tươi cười nói chuyện thân mật với chúng tôi và dặn dò: “Cựu chiến binh – cựu mà không cũ nhé!”
                   Ca sĩ Tuấn Phúc rồi tất cả chúng tôi đã cùng nhau hát ca khúc “Cây Đại thụ” cho Đại tướng nghe. Trong buổi gặp mặt vui vẻ và ý nghĩa đó có cả các đồng chí trong Thường trực và văn phòng Trung ương Hội CCB Việt Nam.
                   Đại tướng chú ý lắng nghe rồi hỏi thăm từng người trong gia đình; đặc biệt Đại tướng hỏi: “Phu nhân của nhạc sĩ đâu?”. Vợ tôi thưa: “Dạ!”, Đại tướng bắt tay bà xã nhà tôi... Tất cả những người có mặt trong phòng đều đồng loạt vỗ tay rầm rầm hưởng ứng.
                   Với thời gian chỉ có 21 phút, buối gặp mặt đó đã để lại cho tôi và gia đình những kỷ niệm thật sâu sắc, đến bây giờ - sau 5 năm – mà tôi vẫn tưởng như mới hôm nào... Kỷ niệm đẹp đẽ đó sẽ cùng tôi đi suốt cuộc đời; và tôi mạnh dạn viết một câu xen kẽ trong phần dạo nhạc giữa 2 lần hát: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh hùng dân tộc – là người thầy, ngưới anh cả của quân đội ta.

                                                                                             Ngày 22 tháng chạp Tân Mão.
                                                                                     

                                                Ca khúc: Cây Đại thụ - Nhạc:  Mai Xuân Chức 
                                        Lời thơ: Thái Bình + Xuân Chức  -  Trình bày Tuấn Phúc



                                                                   BẾN

                                                  Chênh vênh nắng tãi bến đò
                                      Dốc lên hoa gạo thập thò lửa lan
                                                 Gập ghềnh con sáng lang thang
                                      Vô tình liếm mạn đò ngang dập dềnh.



                                             Cuốn sách: Tuyển Thơ - Văn - Nhạc "Sợi mưa quê"


Nhà thơ Phạm Hữu Chính - ủy viên Thường vụ CLB thơ VN
Chủ tịch CLB thơ VN Thăng Long - Hà Nội


 Trích lời phát biểu của
   Nhà thơ PHẠM HỮU CHÍNH

Chủ tịch CLB thơ VN Thăng Long – Hà Nội
Tại hội trường lớn huyện Ứng Hòa ngày 16 – 01 – 2010
 

                 “..... Xuất thân từ một làng quê vốn giàu truyền thống của gia đình và quê hương.... Anh lại là người vốn yêu thơ, yêu nhạc; Những kỷ niệm trong cuộc đời đã dồn nén, bây giờ mới có dịp bung ra, mong có dịp được chia sẻ và thông cảm của bạn bè. Anh coi đó là món nợ phải trả. Anh nợ ai?... Nợ đồng đội, đồng bào, nợ Tổ Quốc, nợ các đồng chí đã nằm xuống....
                  Tất cả các bài văn, bài thơ, đặc biệt là các bản nhạc của anh đều đã thể hiện cảm xúc nồng cháy mà nhạc sĩ – nhà thơ – tuy tuổi đã cao – nhưng vẫn giàu tính nhân văn và tính giáo dục sâu sắc.
                  Công sức, trí tuệ của anh đã đóng góp cho văn – thơ – nhạc nói chung và xây dựng CLB thơ nói riêng.... đã được CLB thơ VN  ghi nhận và cấp bằng khen....”
              



 

                                       Tác giả nhận Bằng khen của Chủ tịch CLB thơ Việt Nam




                                                   TÔI CÓ LỜI XIN LỖI


                  Hồi ấy là năm 1965, giặc Mỹ tăng cường leo thang bắn phá miền Bắc, hòng ngăn chặn quân và dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Trung đoàn 236 – đơn vị tên lửa đầu tiên của QĐND VN - triển khai trận địa bên dòng sông Đà. Trận đầu ra quân, phóng một quả tên lửa, do Tiểu đoàn 61 thực hiện – ngày 24 tháng 7 năm 1965 – đã lập công xuất sắc, bắn rơi một máy bay Mỹ trên bầu trời công trình thuỷ điện. Vì vậy, ngày 24 tháng 7 được lấy là ngày truyền thống của binh chủng tên lửa và trung đoàn được mang tên là “Đoàn Sông Đà” từ đó.
                 Sau trận đầu chiến thắng, Tiểu đoàn 61 được lệnh hành quân về Xích Thổ thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, vào trận địa sắn sàng chiến đấu để bảo về Thành Nam. Ngày 12 tháng 8 năm 1965, một đoàn máy bay cường kích và tiêm kích của giặc Mỹ lợi dụng cửa sông Đáy, bay thấp, kéo nhau vào địa phận Ninh Bình, đang nhao lên, lượn vòng định cắt bom nhằm mục tiêu thị xã Nam Định. Toàn đơn vị nín thở, các chiến sĩ trắc thủ căng mắt trên màn hình ra đa, các bệ phóng liên tục nâng tầm, xoay hướng nhằm tốp đi đầu, chờ lệnh. Bấm nút – ba quả tên lửa lao lên không trung. Ba ánh chớp loé trên bầu trời, ba vùng lửa bùng lên... Những mảnh máy bay vỡ mang theo ngọn lửa đang cháy, rơi lả tả xuống cánh đồng chiêm trũng. Ba chiếc “Thần sấm” của giặc trong tốp đi đầu không còn mảnh giáp. Hàng chục chiếc đi sau và tầng trên vội vàng “cua” gấp chạy ra biển. Thắng trận giòn giã, Tiểu đoàn 61 lại hành quân gấp về Mai Lĩnh thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây để tham gia bảo vệ Hà Nội.
                 Do chiến công xuất sắc, ngày 26 tháng 8, Tiểu đoàn 61 vinh sự được đón Bác Hồ về thăm. Dáng nhanh nhẹn trong bộ ka ki bạc màu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ sắt, khuôn mặt Bác rạng ngời với đôi mắt sáng và chòm râu bạc rung rinh. Đi cùng với Bác còn có đại diện Đoàn chuyên gia về tên lửa của Liên Xô. Với tư thế sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ - người trên bệ phóng, người trên công sự, người trên xe chỉ huy, người ngồi trên bãi cỏ... nhưng chăm chú lắng nghe như nuôt lấy từng lời thăm hỏi, động viên và dặn dò của Bác. Tiếng vỗ tay hồi lâu không dứt. Bác giơ bàn tay ra hiệu im lặng và giới thiệu đồng chí chuyên gia Liên Xô phát biểu. Sau khi chúc mừng những chiến công của đơn vị và QĐND Việt Nam, đồng chí chuyên gia nói bằng tiếng Nga thế nào đấy, đồng chí phiên dịch của ta lại dịch là: “Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 20 triệu quân phát xít !?”.. Thế là mọi người rầm rầm vỗ tay hoan nghênh?... Đồng chí chuyên gia khựng lại, mặt đỏ nhừ, đứng im như tượng!. Mọi người tiếp tục vỗ tay... Bỗng Bác Hồ vội vàng đứng dậy, Người lại giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Bác chân thành nói với đồng chí chuyên gia bằng tiếng Nga :” Cho tôi xin lỗi đồng chí”. Đoạn, Bác nhẹ nhàng dịch lại câu nói của chuyên gia lúc trước bằng tiếng Việt cho bộ đội nghe: “Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết chống phát xít Đức, 20 triệu chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh, chứ không phải Hồng quân đã tiêu diệt 20 triệu quân phát xít”. Mọi người ngớ ra, ngượng ngùng về sự vỗ tay nhiệt thành vô duyên của mình... Đồng chí chuyên gia cảm động, ôm ghì lấy Bác....
                    Chúng tôi lại tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô và các mục tiêu quan trọng, bắn rơi nhiều máy bay của giặc Mỹ xâm lược. Sau này, Trung đoàn 236, hai Tiểu đoàn 61 và 64 cùng 4 cán bộ chiến sĩ của đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
                    Câu chuyện xẩy ra cách đây đã 46 năm, nhưng hình ảnh Bác Hồ, một lãnh tụ vĩ đại, một nhân cách vĩ đại – luôn đề cao tự phê bình - mặc dù sai sót đó là thuộc cấp dưới – đã đi cùng năm tháng của cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ khi ở tuổi ‘xưa nay hiếm”, trong công tác hay quan hệ gia đình, bè bạn. Tôi vẫn luôn tự hỏi: Mình có sai sót gì không ? và đã nhận ra chưa?

                                                                          Ghi theo lời kể của CCB Đào Nguyên Hồng
                                                                             ở Cao Thành, huyện Ứng Hoà, Hà Nội
                                                                            nguyên chiến sĩ trắc thủ của D61, E236


                   Mời xem tiếp chương III và các Chuyên mục: Âm nhạc, Gia đình, Văn hóa.....