VỪA BỊ KỶ LUẬT...
VỪA ĐƯỢC KHEN THƯỞNG?
Mùa hè năm 1962, hồi đó tôi
hơn hai mươi tuổi, là học viên trường Hạ sĩ quan sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô. Một
buổi sáng thứ hai, toàn trường tập hợp giữa sân trường chào cờ như bất cứ một
ngày đầu tuần nào khác. Thiếu tá Nguyễn Văn Thành – hiệu trưởng nhà trường –
sau khi nhận xét đánh giá công việc tuần trước, kế hoạch công tác tuần sau, đã
gọi trung sĩ Nguyễn Danh Sinh – tiểu đội trưởng khung – và tôi lên trước hàng
quân nhận kỷ luật “khiển trách” !
Tôi choáng váng không hiểu chuyện gì xẩy ra vì nhiều tuần trước đó tôi
vẫn thường xuyên được nhà trường biểu dương về thành tích công tác học tập. Tai
tôi ù không nghe thêm được gì nữa, đôi chân như khuỵu xuống cho đến khi trung
sĩ Sinh nắm tay kéo tôi ra khỏi hàng quân đi lên phía trước. Đứng cạnh chân cột
cờ, tôi xấu hổ cúi đầu trước đồng đội và chợt nghĩ tin này mong sao người vợ
trẻ mới cưới của tôi ở quê không biết. Tôi loáng thoáng nghe “tội” của hai
chúng tôi là “hoạt động” quá giờ ngoài đơn vị, về trễ, không qua cổng cảnh vệ
mà còn phá rào dây thép gai để chui vào trường, lại còn không báo cáo sự việc
lên cấp trên. Tôi chợt bừng tỉnh: quả là anh Sinh và tôi có “những tội” ấy
thật.
Câu chuyện là như thế này:
Trường chúng tôi ở ngay ngoại vi sân bay Bạch
Mai – Hà Nội. Tối hôm ấy là tối thứ bảy, được tranh thủ ra ngoài đơn vị nhưng
đến 21 giờ phải về điểm danh; Tôi và anh Sinh vận quân phục “sơ vin” tề chỉnh,
riêng áo xuân hè bằng vải thô Triều Tiên được tẩy trắng chỉ dùng cho những lúc
cần “diện”, trên ngực trái còn đeo huy hiệu Đoàn Thanh niên. Theo kế hoạch
chúng tôi ra Cầu Mới, đi tàu điện lên Ô Chợ Dừa, xuống tàu, rẽ Khâm Thiên về
thăm nhà tôi.
Đi bộ chưa hết Khương Thượng thì trời mưa. Giận giữ
trả thù những ngày nắng nóng, cơn mưa ập đến xối xả như đổ cây nước xuống cây
cối, nhà cửa, mặt đường. Rồi nước của trời cúng dần hết. Hai chúng tôi chạy ra
bến tàu điện. Đường ray ngập nước, tàu điện không chạy được, thì đột nhiên phía
Cao – Xà – Lá (1)
có nhiều tiếng
kêu rất to: Cháy! Cháy!! Ngọn lửa bùng lên rất cao. Tiếng còi xe cứu hỏa inh
ỏi, hối hả chạy xuôi. Hai chúng tôi cũng hòa vào đoàn người đang chạy từ Ngã tư
Sở xuống phía cháy. Đến gần cổng nhà máy cao su Sao Vàng thì bị chặn lại. Nhìn
phía cổng nhà máy cao su tới tấp các cáng người được đưa lên xe cứu thương;
không ai bảo ai, hai chúng tôi vượt qua rào chắn bất chấp sự ngăn cản của các
đồng chí công an, áp sát cổng nhà máy. Ngọn lửa dữ dội phía trong phả nóng rát
mặt cả những người ngoài cổng. Bảo vệ không cho vào. Tôi liền giật lấy chiếc
cáng thương từ một ô tô đang chuyển xuống, hai chúng tôi lao qua cổng vào phía
trong. Những bài học ở trường Hạ sĩ quan có dịp được đưa ra vận dụng. Chúng tôi
làm bất cứ việc gì sao cho ngọn lửa được dập tắt và cứu người bị thương. Bất
thình lình người đang ôm vòi nước ngã xuống (có lẽ do quá mệt). Anh Sinh vội
chộp lấy vòi nước đứng lên lại bị ngã ngửa ra. Hai chúng tôi hợp sức ôm vòi
phun nước đang quay quay trên nền, tựa lưng vào bức tường gần đó hướng vòi phun
về phía lửa cháy. Vòi nước được phun tiếp..., phun tiếp....
Rồi cả đám cháy cũng được dập tắt, lúc đó đã gần nửa dêm. Hai chúng tôi
chui ra từ đám bụi khói, vội vàng rời
hiện trường, cố gắng đi bộ thật nhanh về đơn vị, sau khi trả lời câu hỏi của
một người: hai đồng chí ở đâu?. Bầu trời đầy sao, không khí thật mát mẻ. Cả nhà
trường đang chìm trong giấc ngủ sau một ngày tập luyện vất vả. Chỉ còn tiếng
côn trùng thi nhau khoe giọng sau cơn mưa, trong một bản hợp xướng thiên nhiên
kỳ thú.
Người mệt rã rời, quần áo ướt thũng, mặt mày lọ lem, chúng tôi không dám
qua cổng cảnh vệ vì rất có thể bị giữ lại qua đêm ở phòng trực ban nên lẻn ra
hàng rào phía sau trường, tìm chỗ đèn tối, chờ cho tốp cảnh vệ tuần tra đi qua,
nhẹ nhàng gỡ dây thép gai trườn vào.... rón rén bước chân cò, lách vào lán lên
giường ngủ. Sáng hôm sau không ai biết chuyện gì đã xảy ra, chúng tôi yên trí
và cũng quên luôn....

Hơn bốn mươi năm đã đi qua, bây giờ mỗi lần đi qua cổng công ty Cao su,
hoặc nhìn những sản phẩm cao su có hai chữ: “Sao Vàng”, kỷ niệm “bị kỷ luật,
được khen thưởng” lại ùa về trong tôi, vẫn tươi rói như vừa mới xẩy ra hôm qua
vậy; Và đây cũng là lời nhắn gửi chân tình tới những đồng đội yêu quý của tôi
dưới mái trường Hạ sĩ quan năm xưa.
Ngôi nhà gia đình tác giả ở quê 9 - 2011