CHÀO MỪNG QUÝ VỊ ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NHÀ THƠ - NHẠC SỸ MAI XUÂN CHỨC
anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon anh bia facebook tinh yeu dep buon
1 2 3 4

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

CHƯƠNG IV - TRANG CHỦ



                                  Cưới vợ hụt......
                                                     
                                                                    ........ được đăng báo!


                Dạo ấy vào cuối năm 1961, năm đầu tiên thực hiện điều lệnh xây dựng Quân đội chính quy hiện đại. Là lính nghĩa vụ, tôi được cử đi học trường hạ sĩ quan sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô. Vinh dự lắm! Tôi được đơn vị cho “tranh thủ” ngày chủ nhật về quê bàn chuyện cưới vợ. Việc không thành, nhưng lại được đăng báo.
                Số là quê tôi ở huyện Ứng Hòa tỉnh Hà Tây, cách đơn vị gần 40 cây số. Là con trai duy nhất trong một gia đình có hai chị em. Người chị đã đi lấy chồng. Bố mất sớm. Lúc đó tôi đang làm việc ở trường Cao đẳng Mỹ thuật số 42 phố Yết Kiêu – Hà Nội thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn, vì lúc đó mẹ tôi đã ngoài 60 tuổi. Hiểu được hoàn cảnh ấy, nhà trường đã chấp nhận “phương án trọng đại” của tôi, giúp tôi yên tâm bước vào khóa huấn luyện.
               Gần hết một ngày chủ nhật mà tôi cùng một số bạn bè không sao thuyết phục nổi người yêu của mình đồng ý tổ chức cưới, mặc dù hai gia đình đã nhất trí; vì thời điểm ấy cô ta đang làm kế toán trưởng HTX nông nghiệp và sắp sửa được kết nạp Đảng.
               Tôi buồn bã đi bộ ra đường 22 cách nhà gần 5 cây số. Đã 4 giờ chiều, chờ mãi, chờ mãi không có chuyến xe khách nào chạy qua. Hồi đó xe khách rất hiếm. Hỏi ra mới biết chuyến cuối cùng cũng đã chạy từ lâu. Không còn phương tiện gì để về đơn vị cho kịp giờ điểm danh khi khoảng cách tới đơn vị còn những hơn ba chục cây số. Tôi quyết định chạy bộ. Cũng may với trọng lượng 68 cân, lại vừa đạt tiêu chuẩn vận động viên cấp II, nên chục cây số đầu, tôi chạy rất hăng. Thời ấy, giờ ấy đường vắng, xe cộ thưa thớt, tôi thường lấy mục tiêu là bất cứ chiếc xe đạp nào đang đi phía trước để vượt. Dọc đường, gặp người làng đi ngược chiều từ Hà Đông về quê cũng không kịp chào hỏi. Trời rét mà tôi phải cới hết áo thu đông, ôm vào bụng, chỉ mặc mỗi chiếc áo cổ vuông (áo lót của bộ đội thời đó) để chạy.
               Sức đuối dần, mồm mũi tranh nhau thở vẫn không kịp. Đôi chân tưởng chừng không nhấc nổi nữa; nhưng nghĩ đến việc về đơn vị không đúng hẹn phải chịu kỷ luật thì xấu hổ quá! Nếu thật vậy thì mẹ tôi sẽ rất buồn, người yêu mình sẽ nghĩ sao đây? Lại còn bạn bè nữa chứ! Nghĩ vậy, lúc nhanh, lúc chậm, đoạn thì chạy, đoạn thì đi bộ, mỗi bước là một sự cố gắng và thế là tôi cũng đã vượt qua đoạn đường hơn hai chục cây số.
               May sao tới Phú Lãm thì có một thanh niên hơn tôi chừng dăm tuổi đang đi xe đạp phía trước tôi chạy. Anh đã lẳng lặng đi xe đạp “dìu” tôi gần một cây số, lúc đó anh mới mời tôi ngồi lên “bóp ba ga” xe của anh để anh đèo. Ngồi sau xe, thấy anh nhổm mông đạp ngược gió, tôi cảm động vô cùng. Anh cũng chỉ đỡ tôi được vài cây số từ Phú Lãm đến Ba La, nhưng với tôi đấy là thời gian quý giá vô cùng. Vội nhảy khỏi xe, cảm ơn anh – Qúy nhân của tôi – tôi cứ thế chạy tiếp về đơn vị, mặc dù lên tới Hà Đông có tàu điện, nhưng chậm xì. Lao tới phản nằm, tôi gieo mình xuống và lịm đi. Đơn vị đã kịp thời trợ sức cấp cứu cho tôi và sau đó phải nghỉ tập luyện mất mấy ngày. Song điều quan trọng nhất là tôi đã có mặt tại đơn vị trước lúc điểm danh tối chủ nhật.
              Chuyện của tôi đã được tác giả Văn Lập – phóng viên báo QĐND – đưa lên mặt báo; và cũng chỉ ba tháng sau, người yêu của tôi đã lên xe hoa về với tôi đúng ngày 3 – 2, kỷ niệm ngày thành lập Đảng và cũng là ngày nàng được kết nạp đảng viên.
              Cho mãi đến bây giờ, trong công tác, học tập, hay sinh hoạt, tôi vẫn giữ được thói quen: đúng giờ.
                                                                                                                 4 - 2005 


                                  HỘI  XUÂN


                                                Dập dìu ngọn lúa non xanh
                                    Líu lo chim hót nẩy cành lộc xuân
                                                Đàn gà tíu tít góc sân
                                    Đường làng rợp bóng cờ phần phật bay
                                                Cửa đình hồ nước lồng mây
                                    Mưa xuân rắc bụi ngất ngây hạt vàng
                                                Trống chiêng – lưu thủy xốn xang
                                    Muôn hoa hương sắc rộn ràng lộc xuân

                                                                                            25 – 2 - 2007

                                       
                                             Ca khúc: Tình yêu bất tử - Nhạc: Mai Xuân Chức  
                                            Lời thơ: Nguyễn Đức Bật - Trình bày: Nhật Cường
                                          Trong Clip có sử dụng các tư liệu của đồng nghiệp



                                           HỌC THẬT THI THẬT

                                             Ở LÀNG KHOA BẢNG

                                                                                      GHI CHÉP


                 Đó là một làng nhỏ bé, xa trung tâm thị thành, xa các trục giao thông, nhưng đã làm nên kỳ tích mà ít làng quê Việt Nam nào có được, đó là “làng khoa bảng” từ cách đây hơn hai trăm năm. Dưới triều đại Lê Trung hưng (thế kỷ XVI – XVIII), với số dân lúc đó chỉ vài ba trăm người, sống bằng nghề chăn tằm, quay tơ dệt lụa mà đã có tới 99 vị học hành, đỗ đạt cao từ Sinh đồ, tam tràng tới Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ; đa số các vị đều làm quan từ đốc học, thầy đồ đến Tri huyện, Tri Phủ, và đến cả Thượng thư của triều đình – quả thật như chuyện huyền thoại. Nếu tính cả một tiến sĩ – là người làng – từ thế kỷ XV thì nơi đây có tròn 100 vị đỗ đạt, trong đó có 4 tiến sĩ. Có dặt vị trí của làng vào không gian – thời gian cụ thể ấy, mới thấy hết được giá trị lớn lao của nền học vấn nơi đây được hình thành và đã dày công vun đắp như thế nào.
                 Trong dịp đầu xuân Mậu Tý (2008) vừa rồi, Khả Lãm – tên làng ngày xưa – nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng hòa, tỉnh Hà Tây, một lúc đón 4 bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa của tỉnh – trong đó có một di tích nhà thờ tiến sĩ – lại cũng là một chuyện không nhiều.
                 Anh bạn thạc sĩ quản lý giáo dục là dân của làng đã cho tôi biết tin đó. Tôi vội vàng sắp xếp công việc để kịp về dự lễ đón bằng. Đoạn từ quốc lộ về làng quả là khó đi thật. Song vừa tới cổng làng, tôi đã phải dừng lại để đọc đôi câu đối mặt ngoài cổng làng:
                      “Linh chi lai hề vân vi cái nguyệt vi sa đồng nhân cộng ngưỡng.
                        Thần sở lao hỹ danh ư triều lợi ư thị xuất môn hữu công”
                Nghĩa đại ý: Nơi đây cảnh quan thật là đẹp, mây như lọng che, mặt trăng như xe kéo, mọi người ai qua cũng đều ngưỡng vọng. Quê hương là gốc rễ chặt bền, danh tiếng ở chính trường, lợi lộc nơi chợ búa, con dân của làng ra khỏi làng là làm nên – và phải làm nên.
               Tôi chợt nhớ đến câu ca dao cổ: “Làm trai chớ có bỏ làng mà đi”...
              Đôi câu đối vừa là niềm tự hào, vừa là điều nhắc nhở, vừa khảng khái lại vừa tự trọng. Phía trên cổng nằm trang trọng trong khung “táp lô” là tứ đại tự: “Đằng cù thượng giá” (cổng giành cho những xe sang trọng, có lẽ cũng là để đón những người con thành đạt trở về!). Tương truyền, cổng làng được xây từ triều nhà Lê, khi nền học vấn của làng phát triển rực rỡ. Cổng được tu tạo vào năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ trước. Đọc xong, tuy đã từng nghe tiếng làng Xốm (xưa kia còn có tên gọi như thế), song tôi càng cảm phục, tính tò mò trong tôi trỗi dậy... Thật ra, con người và cảnh quan của làng đã hấp dẫn tôi từ lần thứ nhất về đây, song vì vội nên chưa kịp tìm hiểu. Tôi nhớ lần ấy, trong lời phát biểu của ông Đặng Văn Tu – nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây trong dịp làng khánh thành việc xây lại công trình nhà bia năm 2003, do gia đình ông Nguyễn Chiến Thắng – một người con của làng - ủng hộ; bên trong dựng tấm bia lớn có ghi tên 99 vị học sĩ của làng với tên “Sử văn học làng Khả Lãm”. Ông nói: “.... Khả Lãm quả là mảnh đất địa linh nhân kiệt...”. Thật ra, nhà bia cùng với ngôi trường tiểu học theo kiến trúc Pháp của Khả Lãm đã được xây dựng từ năm 1941 do vợ chồng Cụ Mai Bá Lân, Vương Thị Lai cung tiến. Một ngôi trường xây, mái ngói, trần toóc xi đầu tiên của huyện Ứng Hòa. Khi khánh thành có cả Tổng đốc Hoàng Trọng Phu về dự. Thời ấy, rất nhiều học sinh  ở các vùng lân cận đến học. Có thời kỳ làng còn mở cả trường trung học, có tên là Lê Thánh Tông, dạy các lớp từ đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ để đi thi Dislom mà giáo viên là người làng ở trường Hàn Thuyên Hà Nội về dạy. Song do sự biến thiên của lịch sử.... nhà bia dựng thời ấy, nay không còn.
               Đi trên con đường làng trải bê tông rộng tới bốn mét, hai bên đường đã có nhiều nhà cao hai ba tầng, cửa rộng kính chớp, dáng dấp mô đen. Chủ các ngôi nhà đã biết mang những đường nét kiến trúc hiện đại chốn thị thành về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình làm nên vóc dáng mới cho quê hương xứ sở.
* * *
               Trong 4 di tích được Nhà nước công nhận, ngoài 3 di tích thuộc lĩnh vực tâm linh, di tích thứ tư là nhà thờ Tiến sĩ Mai Danh Tông. Cụ sinh năm 1706, từ nhỏ nổi tiếng thông minh, lại được cậu ruột là Hoàng giáp Tiến sĩ Nguyễn Duy Đôn, giữ chức Hàn lâm viện Thừa chí, Tả thị lang bộ binh... dạy dỗ nên 26 tuổi, Cụ Tông đã đỗ Tiến sĩ (1731). Cụ từng giữ chức Giám sát ngự sử Kinh Bắc, Đốc chấn hai xứ Lạng Sơn, Cao Bằng. Cụ còn là một võ tướng, có công dẹp giặc đến quấy phá biên cương. Cuối đời, Cụ làm ở Viện hàn lâm, hiệu đính sách sử, soạn thảo chủ trương, chính sách giúp triều đình với chức Hiệu thư, tước bá. Đương thời, Cụ là người giỏi văn chương, tham gia nhiều cuộc xướng họa với thi nhân trong nước. Cụ còn để lại một số áng thơ, điển hình là bài: “Lưu giản đồng triều thi” (làm thơ gửi các quan đồng triều). Nhà thờ Cụ cũng là nhà thờ các bề trên: Cụ, ông và người cha – cống cử Mai Hữu Khánh – Hàn lâm viện thị chế, Huấn đạo phủ Đà Dương – được Nhà nước đương thời tặng hai bức hoành phi: “Lưỡng tử đăng khoa´ và “Nghĩa phương giáo huấn”.
               Cụ Tông còn có người em trai là Mai Nghĩa Chính, sau đổi là Mai Trọng Tương. Cụ Tương thi Đình khoa Bính Thìn (1736), đáng lẽ Cụ đỗ Trạng nguyên. Nhưng vì khoa thi ấy lại có Trịnh Tuệ là cháu chúa Trịnh cùng thi. Ccá quan trường vifneer sợ Chúa Trịnh, đã lấy Trịnh Tuệ đỗ Trạng, còn bài thi của Cụ Tương đã chữa sai đi một nét chữ, cho là bài hay nhưng chưa toàn vẹn nên giáng xuống, chỉ cho đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Án văn trên đã được ghi lại tại đôi câu đối ở nhà thờ Cụ:
              “Tài năng bất nhượng Trịnh trạng nguyên, long thủ tín xưng văn nghệ lão
               Tể yếu nhung lưu Lê sử quán, phượng lâu trường ngưỡng bút phong cao”
        Nghĩa là:
-         Thi tài đâu có kém Trịnh Trạng nguyên, đứng nhất bảng rồng văn chương lão luyện
-         Việc lớn còn mải lưu Lê sử quán, phượng lâu trường ngưỡng bút phong cao”.
                  Mải mê với những thư tịch, những sự kiện đầy ắp sử thi và tình nhân văn của một làng ít ai biết đến, tôi lúng túng không biết nên tìm hiểu cái nào trước, cái nào sau. Đàn ông làng Xốm đã vậy, phụ nữ làng Xốm, tài năng đôn hậu không thua kém. Khi ở trong làng thì các bà các chị canh cửi vá may cho chồng, em, con theo nghiệp “lều chõng”. Khi xuất giá, nhất là lấy chồng thiên hạ thì lo sự nghiệp nhà chồng từ chỗ chưa cũng trở nên gia đình khoa bảng dang giá. Điển hình là Cụ Nguyễn Thị Tiễu, có công với dòng họ Nguyễn Thượng ở làng Bặt Chùa, chắt chút của Cụ Tiễu là hai bố con Tiến sĩ Nguyễn Thượng Phiên và Nguyễn Thượng Hiền. Nhà thờ hai Cụ Phiên, Hiền đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa; hoặc Cụ Mai Thị Tần đóng góp cho dòng họ Dương ở Vân Đình. Cháu chắt của Cụ Tần là các Tiến sĩ Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Thiệu Tường. Mùa xuân vừa rồi, nhà thờ họ Dương và phần mộ các Cụ cũng được công nhận di tích lịch sử - văn hóa..

                                                      * * *
                 Tình cờ ngồi cạnh tôi trong buổi lễ đón bằng di tích là cụ Hoàng Đức Trường. Năm nay cụ Trường 80 tuổi, nguyên hiệu trường trường cấp II của xã. Cụ có 8 người con: trai, gái, dâu, rể thì 7 người có bằng đại học, trong đó có một Tiến sĩ, một Thạc sĩ. Là người làm công tác giáo dục lâu năm ở địa phương, cụ kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động, lý thú, và sự kiên trì về đường học học hành của con em trong làng mà cụ từng biết. Cụ nói:
            -  Làng tôi chăm lo sự học tập cho con cháu không phải để làm ông nọ, bà kia. Cái “tục” phải đi học để lấy cái chữ, đã có từ ngàn xưa. Suốt cả thời gian dài nhiều chục năm, không có trường hợp nào để con em bỏ học.
                   Làng Cao Lãm người ta thường nhắc đến một “thế hệ vàng”, đó là lớp người tốt nghiệp đại học chính quy sau thời gian nước nhà thống nhất. Các bậc cha anh trước đó, phải “gác bút nghiên theo việc đao cung”, nếu ai may mắn mới có điều kiện đi học. Số còn lại hầu hết là học tại chức, chuyên tu, hoặc đang công tác thì được cử đi học. Hồi ấy ít người thi đại học lắm! Chưa hết bàng hoàng bước chân ra khỏi cuộc chiến, mọi người còn mải mưu sinh, lo chạy việc làm, sửa sang nhà cửa, tìm người thân... Anh bạn tôi thuộc người của thế hệ này. Anh kể: Cả lớp may mắn mới có một vài quyển sách giáo khoa, giấy phân phối, nên càng hiếm. Muốn có giấy nháp phải mang giấy viết rồi, bỏ vào nước vôi ngâm mấy ngày cho mờ nhòe chữ, đem phơi khô, dùng lại. Hàng ngày đi học về, đâu có được ngồi “góc học tập” vì còn phải đi chăn trâu hoặc làm một số công việc phụ để kiếm thêm công điểm cho gia đình. Ôn bài là thời gian đi bộ từ trường về nhà trên đoạn đường bốn, năm cây số. Trẻ em chăn trâu, dứa nào cũng có sợi dây gai buộc chặt đến lằn cả bụng để cài sách mang theo cùng nhau ôn bài. Vách, tường nhà, cánh cửa.... đâu đâu cũng dày đặc công thức toán, lý. Ấy thế mà hầu như ai đi thi cũng đỗ.
              Các anh Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Xuân Bình là hai học sinh giỏi trong đội tuyển thi học sinh giỏi Toán. Anh Nguyễn Đức Quyết tham dự đội tuyển thi học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc của tỉnh Hà Tây. Anh Bình từng đạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi Toán lớp 7 (lớp cuối cấp II) tỉnh Hà Tây. Cả ba anh đã thi đỗ vào lớp chuyên Toán và chuyên Ngữ của Bộ giáo dục. Anh Tiến, sau khi tốt nghiệp phổ thông được cử sang Liên Xô học. Đột nhiên, trước ngày lên đường mấy tháng, cấp trên quyết định chuyển anh sang học ở Hunggary. Thế là hàng đêm với ngọn đèn dầu hỏa, chui trong màn, Tiến tự học ngoại ngữ (tiếng Hung) từ đầu... Bây giờ, anh Tiến thông thạo năm ngoại ngữ, đang công tác ở nước bạn. Anh Bình miệt mài say mê với ngành giáo dục, đặc biệt là công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Anh đã bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi cho quê hương. Rồi các anh Chiến Thắng, Đức Quyết, Danh Thắng.... Người thạc sĩ, người kỹ sư, bác sĩ.... với cái tuổi “đầu 5”, họ đều đã trưởng thành trên khắp các nẻo đường của Tổ Quốc và ở nước ngoài. Song các anh vẫn luôn luôn ý thức rằng phải học nữa, học mãi, học suốt đời; phải học để tiếp cận kịp thời với những thành tựu khoa học tiên tiến.
              Sự kiên trì theo đuổi học hành có nhiều, song điển hình phải kể đến hai trường hợp. Đó là các anh Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Văn Thái. Tốt nghiệp cấp III, chuẩn bị đi thi đại học thì có lệnh nhập ngũ. Ra quân, chuẩn bị thi tiếp, lại gặp hoàn cảnh gia đình không thuận, phải lui lại. Rồi đi làm. Ý chí phải học để nắm lấy tri thức vẫn âm ỉ nung nấu và các anh lại thi. Tốt nghiệp đại học đã lâu, đến nay, anh thì là thầy giáo cấp III, anh thì làm bác sĩ. Nhiều trường hợp lúc tuổi học sinh, do đi bộ đội tham gia chiến đấu hoặc gia đình không có khả năng tài chính, sau một thời gian đi làm, họ lại tiếp tục theo học đại học. Nay nhiều người có hai, ba bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ.
               Là một làng thuần nông, không nghề phụ. Bình quân đầu người chưa đến 2 sào ruộng, thời ấy đủ ăn đã khó; nhưng bằng mọi cách cha mẹ vẫn tảo tần để nuôi con em ăn học; Bởi họ đã chứng kiến niềm vui – hạnh phúc và sự hãnh diện của những gia đình có con em học hành tiến bộ, thành đạt; và phần nào thấm thía sự thiệt thòi của những gia đình có con em không được học hành đến nơi đến chốn.
               Chị Ngô Thị Lào năm nay 53 tuổi, hai vợ chồng với mấy sào ruộng khoán, ba đứa con đều học đại học. Hai cháu lớn đã ra trường và có việc làm. Khi bài báo này được in thì cháu thứ ba cũng tốt nghiệp trường Xây dựng. Người phụ nữ có dáng hình mảnh dẻ, tác phong hoạt bát nhanh nhẹn kể cho tôi nghe về nỗi vất vả nuôi 3 con ăn học. Đoạn giọng chị chùng xuống cảm động:
           - “Nhiều lúc, em tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Dạo ấy khoảng năm 1996, hai cháu học đại học, một cháu học cấp III. Có mấy tạ thóc đã bán hết cả để lo cho các con. Nhà chẳng còn gì. Sốt ruột vì hai, ba tháng nay hai cháu không gửi thư về. Đi thăm con thì không còn gì để chu cấp tiền ăn cho chúng. Hàng ngày, em phải đi bán rau, cắt cỏ, làm thuê... ròn tiền để gửi cho con. Một hôm, cháu thứ 2 tên là Quân, học ớ đại học Quốc gia Hà Nội, mượn xe đạp của bạn về. Quân chỉ xin mẹ một trăm ngàn đồng chi tiêu cho việc sinh hoạt nửa tháng tới!”
           -  ..............
           -  “ Em biết Quân nó cũng phải vất vả làm đủ thứ công việc để kiếm thêm, nhưng nửa tháng vừa rồi, Quân không kiếm được việc... Em sững người lo lắng, nhưng vẫn làm ra vẻ thản nhiên: Con cứ ở nhà chơi đến chiều đã...
           - Dạ! Con xin phép mẹ con đi ngay ạ!
                 Em nháo nhào đi vay giật mấy người mới được hơn chín chục ngàn đưa cho con. Quân đưa hai tay đỡ lấy món tiền ít ỏi từ tay mẹ, hai khóe mắt ươn ướt, xin phép mẹ vội lên đường. Tốt nghiệp, cháu Quân đã được giữ lại ở trường làm công tác giảng dạy”.
                 Tôi ngắt lời chị: Ba cháu thi lần đầu đều đỗ đại học ngay, chắc chị phải cho cháu đi luyện thi ở Hà Nội chứ?
              -  Dạ! Có một lần em đưa cháu Thủy – con gái lớn – ra ngoài ấy ôn thi. Nhưng.... Thế là em đưa con về, động viên con ôn tập ở nhà. Hai đứa sau cũng vậy. Em nhớ một lần, cháu Thủy từ đại học Thái Nguyên về; trời rét quá mà chiếc khăn quàng của cháu đã rách. Không thể mua cái khăn mới cho con dù chỉ mười ngàn đồng! Em động viên Thủy đổi chiếc khăn của mẹ - cũng đã cũ sờn. Thủy miễn cưỡng bằng lòng. Lúc Thủy trở lại trường, em không nói được gì với con”.
                Chị Lào cho biết bây giờ cháu Thủy đang giảng dạy ở một trường cấp III trên thành phố.
                Rời nhà chị Lào, tôi theo chân anh bạn xuống khu vực đầm ao, vào lán gạch của anh Nguyễn Duy Tiến. Rời quân ngũ trở về địa phương nhưng trong tay không có nghề nghiệp gì ngoài mấy sào ruộng khoán. Anh Tiến làm đủ mọi việc: nào là chăn nuôi, thợ xây... rồi anh nhận khoán mấy sào ao, vừa nuôi cá, vừa tranh thủ đun lò gạch. Từng con cá chăn nuôi, từng viên gạch ra lò, anh tằn tiện nuôi hai con ăn học: một cháu học Quân y năm thứ tư, cháu thứ hai học Xây dựng. Anh Nguyễn Đức Vượng, hai vợ chồng làm ruộng và chăn nuôi mà hai con đều học đại học Quốc gia. Ông Nguyễn Danh Ca, vợ mất sớm, bản thân tàn tật, cũng có một con học đại học luật sắp ra trường. Chị Nguyễn Thị Hồi, một mình nuôi con. Chị ra thành phố làm đủ mọi nghề để chu cấp cho con học và thi đỗ vào đại học Nông nghiệp. Còn nhiều, nhiều lắm các gia đình trong làng, chỉ trông vào mấy sào ruộng, cũng có từ một, dến hai con học đại học; nhưng quá trình học cấp III, lấy đâu ra việc học thêm, vào “lò” luyện thi như người thành phố. Tôi giật mình và không lý giải nổi khi nghĩ đến con cháu nhiều người ở thành phố, ngay từ cấp I, cấp II đã phải học ngày hai ca, bốn kíp, mà khi đi thi vẫn cứ trượt nhan nhản đấy thôi!
                 Cháu Nguyễn Ngọc Lan, con anh chị Tâm - Yến, gia đình cũng chỉ làm ruộng, học hết cấp III, anh chị động viên cháu cố gắng ôn luyện những gì đã học ở trường, chứ chưa bao giờ anh chị nghĩ đến việc cho cháu vào “lò”. Cháu cặm cụi ngồi trong gian buồng của ông bà ngoại, ngày ba buổi hàng tháng trời, thi thoảng còn giúp bố mẹ gặt lúa, phơi rải. Kết quả báo điểm thi đại học, cháu đỗ hai trường: Nông nghiệp và Thủy lợi. Vợ chồng anh chị Công - Yến, gia đình làm nông nghiệp, có ba con trai, cả ba cháu học Trường PTTH Ứng Hòa và đều thi đỗ đại học ngay năm đầu. Bây giờ các cháu đã ra trường và có việc làm ổn định. Anh chị Thuyết Mạnh, ba đứa con thì hai cháu học đại học, một cháu học cao đẳng, đều đã ra trường và có việc làm.
* * *
                 Thông thường, việc được xem phả của một dòng họ là rất khó khăn, ngay cả thành viên trong họ đó. Thật may mắn cho tôi được mấy cụ họ Tây Nguyễn cho đọc một câu chuyện trong tộc phả. Câu chuyện như sau:
                 “ Cụ Nguyễn Duy Tuấn đỗ Cống cử năm 1670, được coi là khai khoa của làng. Mẹ Cụ Tuấn là người họ Mai tên là Mai Thị Biểu. Cụ bà là người cần kiệm, trung thực, kính nhường, chăm chỉ cấy cày, dệt vải. Cụ bà thường bán the ở chợ Chương Đức (Chương Mỹ ngày nay), tình cờ gặp Tham tòng bộ Lễ Thượng thư Nguyễn Tướng công, người xã Viên Nội. Thấy ông về “vinh quy bái Tổ” có lọng võng cờ quạt, voi ngựa chật đường, bà cảm thấy cuộc sống ấy thật vẻ vang, liền đến hỏi ông:
              -   Tại sao ông được như vậy?
           Tướng công cười nói:
              -  Học thì sẽ được.
                 Thế là bà bèn quay về mua sách Tứ thư, Ngũ kinh.... khuyên bảo các con học hành. Sau lại mua kiệu, mũ, lọng sẵn!. Cụ Biểu đã truyền cái ý chí và quyết tâm học tập đến con trai. Cụ tìm thầy, tìm trường gửi con theo học. Cụ Tuấn, buổi học, buổi không, hay về thăm mẹ. Một lần, Cụ Biểu gọi con đến bên khung cửi, dàn sợi đang căng, bỗng Cụ dùng kéo cắt ngang. Cụ Tuấn ngơ ngác. Cụ Biểu nói:
-         Việc học của con cũng giống như khung dệt này. Nếu con cứ bỏ học thì bao giờ thành người. Mẹ mua kiệu, mũ, lọng sẵn là để chờ con...
                   Cụ Tuấn quỳ lạy mẹ, lập tức đến trường. Sau đó Cụ Tuấn đỗ Trung khoa, làm Tri Phủ huyện Duy Tiên. Cụ Biểu lại trực tiếp nuôi cháu đích tôn Nguyễn Duy Đôn đỗ Đình nguyên Hoàng giáp Tiến sĩ, từng giữ chức Tế tửu Quốc Tử giám (hiệu trưởng trường Đại học đầu tiên ở nước ta) với bài văn bia nổi tiếng....”
                                                  * * *
               Cả hai vợ chồng thầy giáo Nguyễn Mạnh Hiểu có 4 người con thì cả bốn cháu đều học xong đại học và có việc làm. Hiện thầy là hiệu trưởng trường cấp II của xã – một trường tiên tiến nhiều năm liền – Thầy cho biết: các em học sinh của trường Cao Thành tuy học chưa xuất sắc nhưng đều và chắc. Đội ngũ thầy cô không “nương tay” nên năm nào thi vào trường cấp III cũng đạt tỷ lệ cao. Ngay năm vừa rồi xét tuyển, cũng có trên 80% đạt điểm số chuyển cấp. Năm 2007, ngành giáo dục nghiêm khắc thực hiện “hai không”, thi tốt nghiệp PTTH đợt đầu, tỷ lệ của trường cấp III chưa đến 30%, riêng học sinh Cao Thành học tại đó đã đạt trên 60%. Song thầy Hiểu vẫn băn khoăn: học là phải có thi. Nếu không thi mà chỉ xét tuyển thì dễ náy sinh tiêu cực lắm! Thầy còn nhấn mạnh: Muốn học được lên cao, phải có cái gốc, phải đầu tư bồi dưỡng cho các em từ những lớp dưới, đặc biệt là từ cấp Tiểu học.
                Cũng không phải tất cả các cháu học sinh của Cao Lãm đi thi đều đỗ cả. Nhiều trường hợp thi PTTH không tốt nghiệp, các cháu đã kiếm việc làm ngay, năm sau thi lại lấy bằng cũng chưa muộn! Người Cao Lãm quan niệm có tấm bằng tốt nghiệp cấp III như là việc xóa mù chữ vậy! Là đất học đấy, nhưng nhiều cháu học hết 12 năm phổ thông, không thi đại học mà rẽ ngang học nghề. Nhiều người trưởng thành, có việc làm ổn định, thậm chí thu nhập khá ở thành phố, vẫn chờ thời cơ, có dịp là lại đi học tiếp.
* * *
                Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến những người Cao Lãm sống xa quê. Anh bạn tôi cho biết: số gia đình là người Cao Lãm sống ở Hà Đông, Hà Nội và các tỉnh khác có đến vài trăm hộ. Nhiều người được giao những trọng trách cao trong các cơ quan Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Từ khi cách mạng bốn nhăm thành công, chính xác là từ những năm 1960 đến nay, người Cao Lãm tốt nghiệp đại học có tới gần ba trăm, trên hai chục người có trình độ Thạc sĩ, cao học và  Tiến sĩ. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh có hai con trai thì một cử nhân, một Tiến sĩ. Hai vợ chồng ông Lê Thanh Bình đều là Tiến sĩ. Ông Nguyễn Hoàng Mạc – chuyên viên Bộ Giáo dục - có ba người con thì cả ba đều tốt nghiệp đại học, trong đó có 2 Thạc sĩ và một người đang học để bảo về luận án Tiến sĩ. Các ông đều là người dân của làng mà có thời đã từng đánh dậm, mò cua. Điều đặc biệt hơn nữa là gần như tất cả những người tốt nghiệp đại học ở Cao Lãm đều đã có việc làm.
              
               Trong nhịp sống hối hả của cơ chế thị trường, người Cao Lãm vẫn cứ bình thản, cặm cụi lao động, chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai nuôi con em ăn học. Tất cả các giòng họ trong làng đều có quỹ khuyến học. Hội đồng hương nào cũng có quỹ khuyến học. Ban khuyến học của làng đã được ra mắt và đang hoạt động tốt nhiều năm nay với vốn quỹ lên tới hàng chục triệu đồng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, làng lại tổ chức hội nghị tuyên dương và thưởng các cháu nhập trường và đã tốt nghiệp đại học, học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó... là nguồn động viên vô cùng quý giá, kịp thời, tạo cho các cháu ấn tượng tốt đẹp về truyền thống hiếu học của ông cha và quê hương, tạo đà cho các cháu bước tiếp những chặng đường phía trước... Các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể trong thôn coi việc lo học tập của thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên phải quan tâm. Qủa thật, quê hương chẳng những là cái nôi, là bệ phóng, là điểm tựa tinh thần... chăm sóc và nâng cánh những khát vọng, ước mơ của các thế hệ học sinh của làng. Có lẽ vì vậy mà nhiều người Cao Lãm còn lấy nghề dạy học để truyền cái chữ, cái định hướng làm người cho con em họ và các nơi. Chả thế mà với một làng nhỏ bé chỉ có trên 1200 nhân khẩu, chưa giàu mà đã có tới trên bảy chục thầy cô giáo đương nhiệm. Số giáo viên nghỉ hưu cũng đến trên sáu mươi người  (không kể số người làm nghề này đang ở khắp trong và ngoài nước).
                Đúng! Làng Cao Lãm chưa giàu về kinh tế thật, nhưng tri thức thì họ không đến nỗi nghèo! Họ học lấy cái chữ bằng chính sức của họ. Họ học thật – thi thật. Họ làm việc và đóng góp cho xã hội cũng bằng thật. Truyền thống ấy đã có từ mấy trăm năm về trước, nó truyền từ đời này sang đời khác, đến thời kinh tế thị trường, họ vẫn thế!
               Trong thời gian hạn hẹp và khuôn khổ bài viết, người viết cảm thấy mình có lỗi vì chưa thể nói hết được nền học vấn và kho tàng văn hóa của làng Cao Lãm – làng Khoa bảng – Làng Văn hóa, đã, đang và sẽ còn rạng rỡ hơn nữa trong tương lai.



                                Ca khúc: Quê mình một bài ca -  Nhạc & lời: Mai Xuân Chức

                       Mời xem tiếp các chuyên mục:
                                                         ÂM NHẠC - VĂN THƠ - GIA ĐÌNH ..v...v...